top-banner-2

Thứ ba, 24/02/2015, 10:12 GMT+7

Đau đầu vì nhiều doanh nghiệp 'thi gan' nợ thuế

Chưa tính những doanh nghiệp khó khăn thực sự, nhiều đơn vị "lỳ" tới mức "ngày mai cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế nợ thuế thì chiều mới chịu mang tiền tới." Số nợ thuế cũng bởi lẽ đó đã vượt ngưỡng 70.000 tỷ đồng cuối năm 2014 thay vì khoảng 61.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

1

Thay tên, đổi chủ “né” thuế

Tình huống dở khóc dở cười trên được chính ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn (Bình Định) thừa nhận khi nói về doanh nghiệp trên địa bàn mình.

Theo lời vị lãnh đạo này, trước khi thực hiện cưỡng chế nợ với doanh nghiệp, cơ quan thuế bao giờ cũng đảm bảo mời doanh nghiệp lên làm việc để nắm bắt kịp thời khó khăn của đơn vị.

Đây là công đoạn theo ông Cường là để "cùng đồng hành" và không gây ức chế khi ngành thuế đưa ra quyết định cuối cùng. Thực tế, có trường hợp, khi lên gặp gỡ, doanh nghiệp cam kết trả nợ và cơ quan chức năng nhận thấy những đơn vị này thực sự có khả năng thì có thể tạm dừng việc ra quyết định.

Thế nhưng, cũng theo những cán bộ làm trực tiếp công tác quản lý nợ ở chi cục này, nhiều trường hợp doanh nghiệp thực tế có khả năng nộp không chịu thực hiện nghĩa vụ.

"Nhiều trường hợp, mai cưỡng chế, chiều doanh nghiệp mới mang tiền đến, tức là bắt cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế mới nộp", vị lãnh đạo Chi cục thuế thành phố Quy Nhơn nói.

Đây không chỉ là vấn đề của riêng Quy Nhơn, ông Nguyễn Xuân Dũng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Khánh Hoà cũng thừa nhận tình trạng tương tự ở địa phương mình.

Thậm chí, theo ông Dũng, không ít doanh nghiệp chây ỳ hàng tỷ đồng tiền thuế rồi bỏ trốn hoặc thay tên đổi chủ, thành lập doanh nghiệp khác để "né" khoản tiền đáng lẽ phải nộp.

Vấn đề này theo ông xuất phát một phần từ sự thông thoáng, dễ dàng lập doanh nghiệp và khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Ngoài những doanh nghiệp chây ỳ, một phần nợ thuế khác theo lãnh đạo Cục thuế tỉnh Khánh Hoà hiện không có khả năng thu thường đã sử dụng tất cả các biện pháp thu hồi nhưng không hiệu quả.

Đại diện cục thuế này khẳng định, doanh nghiệp thực sự khó khăn thì chế tài phạt chậm nộp có nâng cao cũng "bó tay." Nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần thường đã vào tình cảnh phá sản nên không thể chi trả khoản nghĩa vụ thuế của mình.

Với những khoản nợ như vậy, đại diện Cục thuế tỉnh Khánh Hoà thừa nhận "chỉ tạm theo dõi, để đó và chờ chủ trương" bởi đây chủ yếu là khoản nợ khu vực ngoài quốc doanh.

Nêu thêm băn khoăn, lãnh đạo Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, nếu thực hiện đúng quy trình quản lý nợ thuế với doanh nghiệp như thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép thì chắc chắn số nợ thuế sẽ không thu hồi được.

Đây là vấn đề theo lãnh đạo cục thuế này cho rằng đang "vướng" và đề nghị tạo hành lang pháp lý an toàn cho công chức thực thi nhiệm vụ.

Sẽ định kỳ công khai nợ thuế các doanh nghiệp

Con số nợ thuế vượt 70.000 tỷ đồng cũng là vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh dành không ít thời gian trong buổi tổng kết ngành cách đây không lâu.

Thừa nhận những nỗ lực của cán bộ trong ngành nhưng chính Phó Thủ tướng cũng không quên nhấn mạnh việc "quan tâm hơn" tới số nợ năm sau vẫn cao hơn năm trước.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm lãnh đạo ngành tài chính, Phó Thủ tướng thừa nhận, không thể kéo nợ thuế xuống mức tuyệt đối là 0% nhưng số nợ phải "ở mức hợp lý."

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thẳng thắn chỉ ra tình trạng, doanh nghiệp đang "ngày càng khá hơn." Theo ông, lúc khó khăn thì nợ thuế có thể tăng nhưng khi nền kinh tế đã “ấm” lên thì số nợ thuế như hiện tại là cao.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, khoản nợ không có khả năng thu hiện vẫn còn khá lớn và chính số thuế "treo" này khiến tổng nợ ngày một lớn. Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính có thể đề xuất trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hay Quốc hội xin xoá những khoản nợ trên.

Về phía ngành thuế, ông Trần Văn Phu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nêu giải pháp thu hồi nợ trong năm 2015 với ưu tiên rà soát, phân loại và giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá sát với thực tế.

Trong số này, kế hoạch của ngành tài chính nhấn mạnh việc lập danh sách các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, rà soát các doanh nghiệp có nợ thuế lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhập gia công, tạm nhập tái xuất,…

Mục tiêu đặt ra trong năm 2015 theo lãnh đạo Tổng cục Thuế là tính tới 31/12/2015, số nợ thuế sẽ không vượt quá 5% tổng thu ngân sách của cả năm.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt trong những giải pháp năm nay của được lãnh đạo ngành tài chính nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí đầu năm mới là việc định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp.

Các đơn vị trong ngành cũng được chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế cố tình chây ỳ hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý, thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Theo số liệu cung cấp ngày 26/12/2014 của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế là 70.241 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013. Có 8 địa phương có nợ thuế tăng cao hơn 30% so với năm trước, 8 địa phương nợ thuế tăng 20-30%.

    Về kế hoạch thu ngân sách năm nay, số thu nội địa không kể dầu thô được Bộ Tài chính đặt ra là cố gắng vượt tối thiểu 8-10% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý (dự toán pháp lệnh năm 2015 là 731.600 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 93.000 tỷ đồng; thu nội địa là 638.600 tỷ đồng).

Theo Vietnam+


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đau đầu vì nhiều doanh nghiệp 'thi gan' nợ thuế

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn