top-banner-2

Thứ ba, 15/09/2015, 08:41 GMT+7

Steve Jobs - là thiên tài nhưng cũng là kẻ 'lập dị'

Người đã cá nhân hóa máy vi tính vừa là một thiên tài, vừa là một kẻ lập dị, theo một cuốn phim tài liệu mới về Steve Jobs.

Một chiếc điện thoại iPhone là một cỗ máy về cấu tạo vật chất không khác nhiều so với các cỗ máy trước kia: bảng mạch chủ, modem, micro, pin, dây điện lõi vàng, bạc và đồng, tất cả nằm dưới một mảnh thủy tinh. Nhưng một chiếc điện thoại iPhone không chỉ là thế. Cả một hệ sinh thái tồn tại trong đó, danh sách mua sắm đồ gia dụng, hình ảnh, trò chơi điện tử, chuyện cười, tin tức, sách vở, âm nhạc và cả những bí mật cá nhân thầm kín.

Steve Jobs trong một buổi thuyết trình thời trẻ (Ảnh: complex.com)

Dù cho bao nhiêu năm trôi qua từ 2007, và dù cho bao nhiêu thế hệ iPhone nữa ra đời, người ta vẫn sẽ nhớ mãi về những chiếc iPhone đầu tiên, như người ta nhớ về Johannes Gutenberg (ông tổ ngành in hiện đại), Ada Lovelace (người phát minh ra máy tính cơ học), Charles Darwin, Albert Einstein, Thomas Edison… và Steve Jobs.

Phép màu mà Jobs tạo ra là chủ đề cho bộ phim tài liệu mới của đạo diễn Alex Gibney Steve Jobs: "The Man in the Machine" (Steve Jobs: Người đàn ông trong cỗ máy). Bộ phim không tranh luận về vị trí của Jobs trong lịch sử, mà rằng ông xứng đáng được nhìn nhận khác hơn, chứ không chỉ qua những cuốn tiểu sử ca tụng Jobs không khác gì một vị thánh. Bộ phim mở đầu với những hình ảnh về các điểm tưởng niệm mọc lên khắp nơi dành cho Jobs sau khi ông qua đời năm 2011. “Thường thì cả hành tinh không khóc thương một người như thế”, Gibney nói.

Steve Jobs trong một sự kiện ra mắt chiếc Iphone (Ảnh: IBN)

Sau đó là chuyển cảnh sang một đoạn video trên YouTubed tưởng nhớ Jobs với một chú nhóc khoảng 10 tuổi. “Ông ấy đã làm ra iPhone”, chú nhóc nói. “iPad, iPod Touch, tất cả mọi thứ”. Cậu bé đó hoàn toàn đúng: iPhone, và nhiều thiết bị Apple khác, xuất hiện là nhờ Steve Jobs, nhưng Jobs là một tầm nhìn, một nguồn cảm hứng nhiều hơn là một nhà chế tạo.

Tầm nhìn đó, được bồi đắp qua Phật học, ban nhạc rock Bauhaus, nghệ thuật thư pháp, thơ ca và chủ nghĩa nhân bản, một sự pha trộn hiếm thấy giữa công nghệ, triết học và chất nghệ sĩ, đã mang tới cho chúng ta những cỗ máy diệu kỳ. Ông đưa vào Apple hàng loạt nhân viên “mà trong hoàn cảnh khác đã trở thành họa sĩ hay nhà thơ”. Ông nhấn mạnh tính nghệ thuật và tâm linh trong các sản phẩm. Gibney chỉ ra một điều như thế: màn hình iPhone, một khi đã hết sạch pin và tắt ngấm, sẽ phản chiếu hình ảnh của chính người dùng.

Nhưng cũng trong bộ phim, Gibney còn cho thấy một hình ảnh khác Steve Jobs khác. Ông đã có thể trở thành một người rất tồi tệ, không chỉ là một kẻ lập dị, mà còn là một kẻ bắt nạt và một nhà độc tài. Jobs thường xuyên đậu chiếc Mercedes không có bảng số của ông ở những chỗ dành cho người tàn tật. Ông ruồng rẫy người mẹ đang mang thai đứa con chưa sinh của ông, chỉ nhận mặt con gái sau khi tòa án buộc ông phải làm thế. Ông phản bội các đồng nghiệp không còn hữu ích với ông. Ông khiến những người vẫn còn khai thác được phải làm việc kiệt sức đến bật khóc. Đó là chưa kể ông rất keo kiệt khi cho tiền từ thiện, vụ Gizmodo, vụ kiện lừa đảo chứng khoán và nhiều tai nạn lao động kinh hoàng ở Foxconn, hãng gia công chính của Apple.

 

Steve Jobs bên Steve Wozniak, người cộng sự đã cùng ông làm nên chiếc Apple 1 (Ảnh: UPPA/Photoshot)

Tất cả những điều đó đều được ghi lại trong bộ phim, dưới nhiều góc nhìn soi chiếu khác nhau. Những bình luận được đưa ra trong phim cũng rất đa chiều. Một số người coi đó chỉ là những khiếm khuyết nhỏ của một thiên tài. Những người khác lại nói chúng ít nhiều làm vấy bẩn hình ảnh một người truyền cảm hứng. Còn có cả những người nói trong khi Jobs là một con người tệ hại, điều đó không làm huyền thoại về ông mờ mịt đi, mà trái lại, càng khiến nó thêm hấp dẫn.

Trong cả bộ phim, những điều sai trái của Jobs không chỉ là phần “phụ đề” ngắn ngủi được đưa vào cuối một bài ca tụng tràng giang đại hải. Những cuộc phỏng vấn của Gibney được thực hiện với mọi thành phần, những người chỉ trích và từng bị Jobs phản bội, bao gồm sếp cũ của ông (người sáng lập Atari Nolan Bushnell), bạn bè cũ (kỹ sư lúc Apple mới khởi nghiệp Daniel Kottke), bạn gái cũ (Chrisann Brennan, mẹ của đứa con gái không được thừa nhận), nhân viên cũ (kỹ sư Bob Belleville), và những người phê bình hiện tại (Sherry Turkle).

Một số rất thẳng thắn (Turkle: “Ông ấy không phải là một người tử tế”), những người khác cân nhắc hơn (Bushnell: “Ông ấy chỉ muốn thành tựu một cách nhanh nhất”), những bình luận nói giảm nói tránh (McKenna: “Tôi nghĩ Steve rất khát khao tới mức thường đi đường tắt để đạt tới mục tiêu”), sự căm phẫn (Belleville: “Steve cai trị bằng sự hỗn loạn: Ông ấy lôi kéo bạn, phớt lờ bạn, làm nhục bạn”), cay đắng (Brennan: “Ông ấy không biết tình yêu thật sự là gì, vì thế ông ấy tự dựng lên một kiểu tình yêu khác”).

Mỗi người một góc nhìn vào những khía cạnh con người, những thói hư tật xấu của thiên tài, vị thánh Steve Jobs. Chúng ta có thể không biết liệu Isaac Newton, Einstein hay Edison có phải là một thiên tài xấu tính hay không, vì ở thời của họ chưa có (hoặc rất ít) video, mạng xã hội, blog và cả những bộ phim tài liệu.

Tất cả những điều đó khiến chúng ta giờ sống trong một thời đại của những thần tượng phức tạp hơn nhiều trong quá khứ. Điều trớ trêu là chúng ta ý thức được điều đó, một phần rất quan trọng, là nhờ có Steve Jobs.

Theo ttvn.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Steve Jobs - là thiên tài nhưng cũng là kẻ 'lập dị'

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn