top-banner-2

Thứ sáu, 13/05/2016, 15:00 GMT+7

10 phim 18+ đoạt giải gây xôn xao trong lịch sử Cannes

"Blue Is The Warmest Color" cùng "Sex, Lies, and Videotape" là hai trong số các phim được Cành Cọ Vàng có nhiều cảnh trần trụi.

Blue Is The Warmest Color (2013)

Phim kể về hành trình trưởng thành của cô gái 15 tuổi người Pháp - Adele - trước, trong và sau khi trải qua mối tình với một nữ họa sĩ hơn tuổi. Phim do đạo diễn Abdellatif Kechiche chuyển thể từ truyện tranh cùng tên, chứa cảnh làm tình lõa thể hơn 10 phút của hai diễn viên nữ. Diễn viên Léa Seydoux phải đóng cảnh 18+ khắc nghiệt tới nỗi cô thừa nhận trước truyền thông là thấy bản thân như gái làm tiền.

Khi được trao giải Cành Cọ Vàng (giải thưởng cao nhất ở Cannes) năm 2013, một số nhà phê bình tranh cãi rằng tác phẩm mang yếu tố khiêu dâm nên không xứng đáng đoạt giải. Lúc ra rạp rộng rãi, giới chuyên môn và người hâm mộ đồng thuận đây là tác phẩm về tình yêu nhân văn và giàu cảm xúc hàng đầu thế kỷ 21.

Stranger by the Lake (2013)

 Sau khi nhận được kịch bản, diễn viên chính - Christophe Paou - chần chừ nhận vai bởi tác phẩm có nhiều cảnh nóng và khỏa thân phơi bày bộ phận nhạy cảm. Nam diễn viên Pháp xác nhận tham gia dự án khi biết rõ mình có diễn viên đóng thế. Chuyện phim kể về một người đàn ông Pháp khao khát dục vọng đối mặt nguy cơ gặp tai họa bên một hồ bơi mùa hè chuyên dành cho người đồng tính.

Mặc dù chứa nhiều cảnh sex thật gây sốc, phim 19+ mang về cho tác giả Alain Guiraudie giải "Đạo diễn xuất sắc" ở hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) năm 2013. Giới chuyên môn nhận định câu chuyện phim quyến rũ, thông minh, hài hước và nhiều phá cách về đề tài đồng tính ở châu Âu.

Blissful Yours (2002)

Bộ phim Thái Lan kể về hai người đàn bà yêu chung một thanh niên trẻ và thực hiện một chuyến pinic cùng nhau vào khu rừng biên giới Thái Lan - Burma. Tác phẩm châu Á chứa nhiều cảnh lõa thể, phơi bày bộ phận nhạy cảm của nam giới được cho là một câu chuyện điện ảnh huyền bí và được vinh danh "Phim hay nhất" ở hạng mục Un Certain Regard năm 2002.

Tuy nhiên, phim nhiều lớp nghĩa bị cấm chiếu ở chính quê nhà đạo diễn Apichatpong Weerasethakul bởi nhà làm phim không chịu cắt các cảnh nude.

Crash (1996)

Phim của đạo diễn David Croneberg gây tiếng vang cũng như tai tiếng ở Cannes. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn JG Ballard, cốt truyện kể về một người đàn ông săn tình dục bằng những vụ đụng độ tai nạn xe hơi. Bộ phim trần trụi của điện ảnh Anh phân cực mạnh giới chuyên môn dù giành giải "Special Jury Prize" của ban giám khảo Cannes.

Trong khi nhiều nhà phê bình ca ngợi tính nguyên bản trong ý tưởng và sự dũng cảm của nhà làm phim, số còn lại chỉ trích Crash là "món lẩu của tình dục và bạo lực". Nhà phê bình Roger Ebert viết: "Tác phẩm giống một phim khiêu dâm được làm trên máy tính: Nó tải thông tin về tình dục, khám phá những mối quan hệ trên xe hơi và kết hợp chúng theo thuật toán thông minh. Kết quả là một tác phẩm đầy thách thức, dũng cảm và độc đáo. Tôi ngưỡng mộ phim này nhưng không thích nó".

Pulp Fiction (1994)

Pulp Fiction là một trong số các tác phẩm đoạt giải Cành Cọ Vàng nổi tiếng cũng như phân cực giới phê bình nhất. Khi chiếu ở Cannes năm 1994, phim của Quentin Tarantino khiến không ít người xem ngơ ngác bởi câu chuyện gần như không có gì trong khi dồn nén nhiều tình tiết bạo lực đẫm máu. 

Nội dung phim là tập hợp các câu chuyện tưởng chừng rời rạc, tào lao lại vô cùng gắn kết. Sau hơn hai thập kỷ, phim hiện đứng thứ bảy trong cuộc bình chọn những bộ phim gangster hay nhất mọi thời đại của Viện điện ảnh Mỹ. Tác phẩm phá vỡ rất nhiều trật tự kể chuyện điện ảnh. Trong khi Mỹ dán dán R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi), Anh, Canada, Australia và nhiều quốc gia khác xếp phim ở mức 18+.

The Piano (1993)

Bộ phim Australia gây xôn xao khi thắng giải Cành Cọ Vàng ở Cannes lần thứ 46 bởi hòa quyện âm nhạc, dục vọng và tình yêu vào một câu chuyện tổng thể dữ dội, giàu cảm xúc. Tác phẩm kể về cuộc sống khốn khó và thiếu thốn tình cảm của một phụ nữ quý tộc người Anh khi được gả bán cho người chồng sống cùng bộ tộc hoang dã trong rừng mưa New Zealand.

Bộ phim 18+ đưa nữ đạo diễn Jane Campion thành nhà làm phim nữ hàng đầu châu Đại Dương cũng như là bệ phóng sự nghiệp cho diễn viên nhí Anna Paquin thành ngôi sao Hollywood.

Wild a Heart (1990)

Tác phẩm của đạo diễn David Lynch giành giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes lần thứ 43. Nicolas Cage vào vai một trai trẻ vừa ra tù, chạy trốn cùng bạn gái trong hành trình kỳ quặc vì bị mẹ bạn gái thuê sát thủ truy giết.

Kịch bản gây xôn xao vì chứa nhiều cảnh nude, cảnh thân mật, cảnh đánh giết và bắn súng xuyên suốt phim. Hồi ra mắt ở Mỹ, tác phẩm phải cắt một số cảnh nóng để phù hợp mức nhãn 17+ bởi khi đó, Hollywood chưa có mức kiểm duyệt 18+. Bộ phim được đánh giá là một câu chuyện tận cùng về đề tài tình yêu.

Sex, Lies, and Videotape (1989)

Phim Mỹ ra mắt năm 1989 kể về đôi vợ chồng đang bên bờ rạn nứt hôn nhân gặp rắc rối về tình dục và tình cảm gia đình khi một người bạn kỳ quặc của người chồng dọn tới ở nhờ. Thắng giải Cành Cọ Vàng, phim gây xôn xao vì thẳng thắn đề cập tới đề tài tình dục mà trước đó chưa được khai thác nhiều.

Giới phê bình đồng thuận: “Mặc dù tuổi đời còn trẻ (26), đạo diễn Steven Soderbergh đã chứng minh đẳng cấp bậc thầy cả về tay nghề điện ảnh lẫn sự chiêm nghiệm cuộc sống bằng một bộ phim già dặn về câu chuyện tình dục của con người”. Phim được đánh giá là "thay đổi điện ảnh độc lập".

The Tin Drum (1979)

Đoạt cả Cành Cọ Vàng ở Cannes lẫn giải Oscar cùng năm cho "Phim hay nhất", tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Đức - Günter Grass - không làm người xem hoài nghi về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, phim giễu nhại của đạo diễn Volker Schlöndorff gây tranh cãi lớn vì chiếu cảnh một cậu bé dưới 10 tuổi thực hiện một số hành vi tình dục với cô gái hơn tuổi. Những chi tiết này bị không ít khán giả chỉ trích là "gợi dục rẻ tiền". 

Viridiana (1961)

 Phim Tây Ban Nha của đạo diễn Luis Buñuel giành Cành Cọ Vàng ở Cannes lần thứ 14. Cốt truyện kể về một cô gái thực hiện chuyến thăm định mệnh tới trang trại người chú họ trước lễ thụ phong làm nữ tu ở Mexico.

Nhiều người phẫn nộ và sửng sốt khi tác phẩm chứa hàng loạt cảnh sex trần trụi này được vinh danh. Sau khi ra mắt, Tòa thánh Vatican chỉ trích bộ phim là "câu chuyện báng bổ", dù giới phê bình coi nó như kiệt tác.

Theo Thành Long (Vnexpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

10 phim 18+ đoạt giải gây xôn xao trong lịch sử Cannes

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3