top-banner-2

Thứ ba, 23/06/2015, 15:47 GMT+7

Quyên - một bộ phim nhân văn, 'tử tế' về người Việt xa xứ

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về sự chưa trọn vẹn về kịch bản & cảm xúc, Quyên vẫn là một bộ phim Việt đáng xem với những khán giả mong muốn đến rạp để có những trải nghiệm riêng về câu chuyện của những người Việt xa xứ, nhất là trong bối cảnh những phim Việt có chiều sâu, giàu chất điện ảnh ra rạp ngày càng ít.

Nguyễn Phan Quang Bình từng chia sẻ rằng anh muốn làm những bộ phim "tử tế" cho khán giả Việt. Với "Quyên", có thể nói lần này anh đã thành công.

Quyên là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Phim kể về cuộc sống khó khăn của người Việt những năm 80 tại Đông Âu. Mang khao khát đổi đời, thoát nghèo và được công nhận nhưng khi Liên Xô tan rã, bức tường Berlin sụp đổ họ trở thành những phận người trôi dạt, lênh đênh nơi đất khách. Nổi bật trong số những người Việt ấy, chúng ta có thể nhắc tới Quyên, Hùng và Dũng. Họ không vô tình gặp nhau mà định mệnh tàn khốc đã sắp đặt và gắn kết họ lại với những cung bậc cảm xúc thăng trầm.

Từng khiến khán giả trầm trồ vì những thước phim đặc tả miền Tây đẹp như bưu ảnh, lần này đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tiếp tục dùng con mắt làm nghề của mình để dựng nên những thước phim đẹp. Quyên dù có một cốt truyệt dữ dội, bạo liệt đến mấy thì khán giả cũng không thể ngưng trầm trồ trước căn nhà phủ tuyết trắng xóa tại khu rừng thẳm, cảnh mùa thu vàng lãng mạn hay phút Hùng kéo lê Quyên trên chiếc xe giữa trời tuyết trắng.

Thời lượng ít ỏi tất nhiên không thể diễn đạt hết nội dung của quyển tiểu thuyết 18 chương nhưng bộ phim đã cố gắng khắc họa tác phẩm chân thực nhất. Những năm 80, người Việt tại Đông Âu đúng là quay cuồng trong những kế hoạch vượt biên nguy hiểm, tới “vùng đất hứa” thì họ lại vỡ mộng khi phải chấp nhận công việc chân tay rẻ mạt, bị xem thường và đôi lúc còn phải ăn cắp vặt hay buôn lậu để tồn tại.

Cảnh trong phim “Quyên” Ảnh: HUỲNH LONG

Không dừng lại ở việc khắc họa chân dung những cá thể, Quyên còn đề cập đến câu chuyện lớn hơn: những vụ thanh trừng đẫm máu, sự ích kỉ giữa người Việt lẫn nhau. Trong Quyên, người Việt vẫn giúp đỡ nhau nhưng sự giúp đỡ đùm bọc ấy mang tính cá nhân, quy mô nhỏ. Ở quy mô nhóm lớn, họ hành xử theo kiểu phe phái, lập băng để triệt tiêu, giành “khách” hay đất sống của nhau. Đó là “mặt tối” nhưng cũng là phần chân thực của phim mà đạo diễn đã thể hiện được.

Về diễn xuất, có thể nói là các diễn viên đều ở mức tròn vai. Ở Dũng, người ta thấy rõ được anh là một trí thức ích kỉ và gia trưởng đến độ quay lưng với Quyên khi cô cần anh nhất. Hans - Gary Daniels tạm thay thế được anh Kurman trong truyện để trở thành người đàn ông yêu Quyên tha thiết, “chỉ cần được bên cạnh em là hạnh phúc”.

Là lần đầu chạm ngõ điện ảnh tất nhiên còn nhiều thiếu sót, Ngọc Anh - vai Quyên cũng không phải ngoại lệ. Ngọc Anh rất đẹp, ở góc hình nào cũng đẹp và đằm thắm đúng như kiểu tác giả Nguyễn Văn Thọ miêu tả về Quyên trong tiểu thuyết nhưng cảm xúc của người mẫu bị giới hạn khá nhiều. Ngọc Anh thể hiện tốt vai một cô gái Hà Nội mỏng manh và chung thủy nhưng cô thiếu hẳn chất đàn bà và mạnh mẽ như tiểu thuyết. Dù cắt phăng mái tóc thề và quyết “sống vì con” nhưng ánh mắt, diễn xuất của Ngọc Anh vẫn chưa đủ “lực” để khán giả tin rằng Quyên bản điện ảnh có khát vọng sống mãnh liệt. Đó thực sự là một điều rất tiếc.

Điểm nhấn của phim thuộc về nhân vật Hùng của Trần Bảo Sơn. Sơn từng tâm sự: “Khán giả xem phim không yêu Hùng thì Sơn thất bại!”, đúng là khán giả xem phim xong đều cảm thấy yêu và thông cảm cho một người đàn ông gai góc mà cũng đủ dịu dàng như Hùng. Đến với Quyên vì bản năng giống đực, anh “lạnh” và gai góc như mùa đông nước Đức nhưng những cảm xúc của anh dành cho Quyên vẫn ấm áp như tia nắng lúc băng tan. Diễn xuất của Trần Bảo Sơn tốt hơn rất nhiều so với các phim trước, nhất là ở đoạn nhân vật Hùng của anh khát khao hướng thiện.

Thành công có vẻ đang mỉm cười với diễn viên trẻ Hiếu Nguyễn. Khuôn mặt “quê quê” đặc trưng, giọng nói “tỉnh lẻ” nhưng anh lại đặc biệt hợp với hình tượng những người Việt gốc Bắc vượt biên mà tiểu thuyết mô tả. Diễn xuất chưa nhiều đột phá nhưng khán giả vẫn thấy quý vai Phi của anh, một gã giang hồ khẳng khái, trung thành.

Đến với Quyên, khán giả cảm thấy những dư vị đắng chát mà cũng ngọt ngào của cuộc sống xa xứ. Dù chưa được trọn vẹn nhưng chí ít “Quyên” cũng được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cùng ê-kip trau chuốt kĩ lưỡng để mang tới một bộ phim “tử tế” như ý tưởng ban đầu. Và khán giả, sau khi bước ra khỏi rạp chắc chắn họ sẽ suy nghĩ nhiều về nhân vật, câu chuyện cũng như có cái nhìn tử tế hơn về phim Việt và phụ nữ!

Theo ttvn.vn

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Quyên - một bộ phim nhân văn, 'tử tế' về người Việt xa xứ

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn