top-banner-2

Thứ bảy, 04/11/2017, 08:00 GMT+7

10 điều ở bạn khiến đồng nghiệp 'chạy dài'

Trở thành nhân viên có tính cách "vạn người mê" trong công sở không hề đơn giản nhưng để “bị ghét” thì rất dễ. Theo Chuyên viên tư vấn tuyển dụng của CareerLink.vn, trang tin hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân sự chất lượng hàng đầu Việt Nam, chỉ cần có một trong số tính cách sau, đồng nghiệp sẽ “không ưa” bạn ngay.

 logo-careerlink-nguoinoitieng-2Cập nhật thông tin việc làm mới nhất tại: careerlink.vn

Hãy cùng xem qua bạn có mắc phải những “điểm đáng ghét” này không nhé?

1. Lười biếng

Ngày nào bạn cũng tỏ vẻ uể oải, mệt mỏi khi đến nơi làm. Công việc của bạn luôn bị dồn ứ, không phải vì quá nhiều mà vì bạn cứ để đó cho đến khi bị nhắc nhở hoặc chỉ làm khi đến thời hạn hoàn thành. Những người làm chung nhóm luôn lo lắng và thấp thỏm cho phần việc mà bạn phụ trách có đang tiến triển không? Liệu nhóm có bị trễ “deadline” không? Mặc dù không nhiều việc nhưng bạn luôn viện lý do bận rộn để tránh bị giao thêm công việc khác.

2. “Bà tám”

Bạn hay hỏi thăm, để ý các câu chuyện của mọi người để xâu chuỗi thông tin; nhưng không phải phục vụ cho công việc mà để thỏa mãn tính nhiều chuyện của mình. Đôi khi là chuyện gia đình, chuyện thăng quan tiến chức hay chuyện ai đó bị sa thải. Chuyện mà bạn thường tò mò nhất là lương bổng của mọi người trong công ty, dù bạn biết rõ đây là vấn đề bảo mật.

3. Ghen ăn tức ở

Bạn bực bội vì sếp tặng quà cho đồng nghiệp mà không tặng cho mình, khó chịu vì biết rằng người ít kinh nghiệm hơn bạn lại có mức lương cao hơn và giận dữ khi thấy đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với mình đều đã lên chức, còn bạn vẫn lẹt đẹt ở vị trí nhân viên. Lúc nào bạn cũng nhìn những người xung quanh và so sánh, rồi cám cảnh cho mình vì sao lại không bằng được họ.

4. Khoe khoang

Việc tán gẫu những thông tin như thời trang, ẩm thực giữa các nhân viên - đặc biệt là nhân viên nữ - khiến mọi người gần gũi nhau hơn. Nhưng bạn chỉ muốn tham gia câu chuyện để khoe mình sống sang chảnh ra sao, đã làm những dự án hoành tráng thế nào, bản thân tài giỏi đến đâu và không có nhu cầu nghe chuyện của ai, đôi khi còn cho rằng mọi người không cùng “đẳng cấp” với mình.

5. Nịnh bợ

Sếp nói gì bạn cũng khen hay khen đúng; mặc áo gì bạn cũng khen đẹp, bạn không ngần ngại nói những lời có cánh về sếp trước mặt mọi người. Nếu bạn trình bày vấn đề xong mà sếp đưa ra ý kiến trái ngược bạn liền đồng ý, không hề phản biện hay bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng khi sếp vừa quay lưng đi thì bạn liền tỏ thái độ bất mãn, thậm chí chỉ ra từng điểm vô lý hoặc thiếu suy nghĩ trong những lời sếp đã nói.

6. Nói xấu sau lưng

Công ty dành thời gian cho các nhân viên được trình bày những điều mình chưa bằng lòng vừa đồng nghiệp để mọi người cùng nhau sửa đổi, bạn không có ý kiến nhưng sau đó lại đi nói riêng với từng người rằng ai có tính xấu gì, thậm chí vào phòng cấp trên để trình bày lỗi của đồng nghiệp: từ chuyện đi trễ đến chuyện ai dùng điện thoại công ty cho việc cá nhân.

7. Hay than phiền

“Cỏ bên kia đồi xanh hơn”, vì tư tưởng này mà bạn luôn cảm thấy lương bổng, chế độ, môi trường làm việc hiện tại không tốt bằng bạn bè. Bạn luôn kêu ca rằng mình quá bận rộn không có thời gian chăm sóc bản thân, chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ khiến bạn không thể sống thoải mái được. Chủ đề của bạn dù có thay đổi những vẫn chỉ xoay quanh việc chê bai và than vãn. Nếu hàng ngày phải nghe “tụng” như thế, chắc chắn đồng nghiệp sẽ luôn tìm cách lánh xa bạn để tránh bị tác động tiêu cực.

8. Thiếu lịch sự

Kiểu giao tiếp thường làm mọi người khó chịu là luôn dùng câu mệnh lệnh, đặc biệt trong công việc. Các câu nói của bạn thường không có chủ ngữ, không có từ cảm thán và điểm chung là câu luôn ngắn ngủn; ngay cả khi bạn đang nhờ vả sự giúp đỡ của người khác thì mọi người đều tưởng bạn đang ra lệnh. Đi kèm với kiểu nói chuyện này là một gương mặt rất hiếm nở nụ cười, càng làm mọi người thêm khó chịu.

9. Đổ lỗi

Ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là họ đối diện như thế nào và làm gì sau sai lầm đó. Nhưng bạn lại sợ bị khiển trách, sợ bị đánh giá mình thiếu năng lực nên luôn tìm lý do gì đó để bao biện cho những sai lầm của mình, thậm chí là đổ lỗi cho đồng nghiệp. Nói chung, nếu bạn có mắc lỗi thì nguyên nhân chính là ở hoàn cảnh và mọi người xung quanh chứ bạn thì… ngây thơ vô tội.

10. Tư lợi

Bạn sử dụng tài sản của công ty cho những mục đích cá nhân như gọi điện thoại, in tài liệu, gửi thư riêng. Không những vậy, bạn tham gia các buổi ăn uống, vui chơi cùng đồng nghiệp nhưng lại “lặn mất tăm” khi mọi người kêu gọi đóng góp, chia sẻ các phiếu thanh toán.

Nếu nhận thấy mình đang có những tính cách như trên, hãy nhanh chóng thay đổi bạn nhé. Thay đổi không hoàn toàn vì mục tiêu được mọi người yêu mến mà trước mắt là để bạn không bị đồng nghiệp ghét vì những tính cách này. Khi đó, bạn mới có thể hợp tác làm việc với mọi người một cách thuận lợi và suôn sẻ.

Mừng Mẫn

* Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

10 điều ở bạn khiến đồng nghiệp 'chạy dài'

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn