C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Coi thường tính mạng người tiêu dùng |
Dư luận cho rằng không riêng Bộ Y tế mà các bộ ngành, cơ quan hữu trách khác cần phải vào cuộc để làm rõ “vụ đầu độc” người tiêu dùng của nhà sản xuất C2, Rồng đỏ. Việc Bộ Y tế liên tục phát hiện và yêu cầu nhà sản xuất trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ là Cty TNHH URC Việt Nam thu hồi các sản phẩm là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì đã bán ra thị trường đang dấy lên sự hoang mang lo lắng trong người tiêu dùng khi đã uống phải các sản phẩm đồ uống đã nhiễm độc chì này. Ba lô hàng C2, Rồng đỏ của URC có hàm lượng chì vượt phép đã bị tạm dừng lưu thông và thu hồi. Coi thường tính mạng người tiêu dùng Việt? Đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho biết chiều ngày 23/5 làm việc với Đoàn thanh tra của Bộ Y tế, Cty TNHH URC Hà Nội (thành viên của Cty URC Việt Nam) cho biết là mới ra thông báo tạm dừng lưu thông thêm 2 lô sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ vì có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép từ 4 đến 9 lần. Điều đáng nói là sau khi nhận được kết quả kiểm nghiệm khẳng định 2 lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhưng sau đó Cty URC lại đem mẫu đi kiểm nghiệm tại nơi khác cho kết quả an toàn nên đã cố tình bán 2 lô sản phẩm trà xanh hương chanh C2, sản xuất ngày 11/1/2016; hạn sử dụng đến 11/1/2017 và lô nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, sản xuất ngày 14/1/2016; hạn sử dụng đến ngày 14/1/2017. Đây cũng chính là 2 lô sản phẩm mà cách đây hơn 3 tháng đã từng được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khẳng định có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Cụ thể, lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 có hàm lượng Chì 0,46mg/L (cao hơn 9 lần so với mức công bố) và lô sản phẩm Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ có hàm lượng chì là 0,21mg/L (cao hơn 4 lần so với mức đã công bố). Tại buổi làm việc ngày 23/5 Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu Cty URC báo cáo về Thanh tra Bộ trước ngày 26/5/2016 về số lượng 2 lô sản phẩm đã sản xuất, đã bán, địa bàn bán và số lượng còn tồn của từng lô hàng có kết quả kiểm nghiệm định kỳ không đạt; số lượng cụ thể của từng lô nguyên liệu đã được sử dụng để sản xuất ra 2 lô sản phẩm nói trên. Trước đó, ngày 20/5 Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu Công ty URC tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ. Lô sản phẩm thứ nhất là trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016; hạn sử dụng 4/2/2017 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,085 mg/L, trong khi mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L. Lô sản phẩm thứ 2 là nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/2/2016; hạn sử dụng 19/11/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,053 mg/L, trong khi mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L. Lô sản phẩm thứ 3 là nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 10/11/2015; hạn sử dụng 10/8/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/L, trong khi mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l. Với việc trong một thời gian ngắn lực lượng chức năng liên tục phát hiện và buộc nhà sản xuất này phải thu hồi sản phẩm vì nhiễm độc chì, có thể gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, dư luận, người tiêu dùng hết sức bức xúc và cho rằng đang bị nhà sản xuất nước trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ, đầu độc, coi thường tính mạng. Cần nhiều cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch Trao đổi với phóng viên Pháp Luật Việt Nam nhiều người tiêu dùng bức xúc khi cho rằng khi cơ quan khoa học về an toàn thực phẩm của Việt Nam phát hiện hàm lượng chì trong sản phẩm đồ uống vượt mức quy chuẩn cho phép, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng, đáng lẽ nhà sản xuất là Cty URC Việt Nam cần phải tiêu hủy lô sản phẩm, tuyệt đối không được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhưng nhà sản xuất này đã có dấu hiệu của việc coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng Việt khi họ cố tình đưa sản phẩm ra bán ngoài thị trường. “Ảnh hưởng của nhiễm độc chì là về lâu dài chứ không phải tức thì mà có thể phát hiện được, cơ quan Công an cần phải vào cuộc điều tra vụ việc này, nếu cần thì khởi tố vụ án để làm gương cho các nhà sản xuất khác”- Người tiêu dùng bức xúc khi trao đổi với phóng viên. Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, các luật sư Nguyễn Văn Tú, Trần Đình Triển (Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội), Lê Văn Thiệp (Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội) đều cho rằng hoàn toàn có thể xử lý hình sự vụ việc này. Theo đó thì về mặt nguyên tắc nhà sản xuất phải thực hiện đúng với chất lượng đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Trong trường hợp nhà kinh doanh không thực hiện đúng, đưa lên hàm lượng mà chì vượt quá mức quy định làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và với sự sản xuất một số lượng lớn như vậy, đưa ra tiêu thụ rộng rãi như vậy thì đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các chuyên gia pháp lý khác khi được hỏi cũng cho rằng vụ việc này có tính chất nghiêm trọng vì nó đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, đe dọa đến sức khỏe của người dân Việt Nam cho nên cơ quan công an hoàn toàn có thể vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ. Và trong vụ việc này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc, không nói suông mà cần có các văn bản kiến nghị hoặc thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, để làm rõ vụ việc. Như vậy mới thể hiện rõ chức năng bảo vệ người tiêu dùng. Vụ việc các sản phẩm trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ của Cty URC Việt Nam bị nhiễm chì nhưng vẫn lưu hành trên thị trường hiện nay mới chỉ đơn thương có Bộ Y tế vào cuộc. Nhưng vấn đề không khỏi không khiến dư luận đặt câu hỏi nghi ngại là vì sao các sản phẩm này được sản xuất từ tháng 1, tháng 2/2016 và đã được lưu hành trên thị trường đến nay mới được phát hiện, xử lý. Với khoảng thời gian ấy đã có bao nhiêu người dân Việt Nam uống phải sản phẩm nhiễm chì này? Vì sao chỉ đến khi các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ thì Bộ Y tế mới phát hiện ra, mới vào cuộc trong khi mà Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã phát hiện ra từ trước đó và không có khuyến cáo trên phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận khoogn hiểu Bộ Y tế quá sức hay vì lý do nào khác? Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia về y tế, sức khỏe cộng đồng đều cho biết độc tố chì hết sức nguy hại đến sức khỏe con người. Theo đó, việc sử dụng nước nhiễm một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến một người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Đối với trẻ em thì chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa Canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, Chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngộ độc Chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em. Chì tác động lên hệ thống enzyme vận chuyển hiđro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong. Với những phụ nữ có thai thường xuyên tiếp xúc với chì khả năng sẩy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn 4. Chì có tác dụng rất độc hại cho cơ thể con người và có thể gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính, ví dụ như bệnh thận hay bệnh thần kinh. Theo Baophapluat.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|