Hàng chục tỉ đô đang ‘nằm chơi’ |
Nếu 500 tấn vàng được huy động, dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ có thêm vài chục tỉ đôla. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều giải pháp nhằm huy động khoảng 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân. Trong đó giải pháp được xem là quan trọng nhất là lập sở giao dịch vàng quốc gia (SGDVQG). Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) - người từng có kinh nghiệm tổ chức sàn vàng đúng chuẩn của sàn hàng hóa nước ngoài. Thiệt hại hàng tỉ đôla - Theo ông, việc thành lập SGDVQG để khai thác nguồn lực vàng có thực sự cần thiết? Ông Trần Thanh Hải: Nghị định số 24/2012 của Chính phủ từng lưu ý NHNN nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, bốn năm đã trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều này. Trong khoảng thời gian đó, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 11 triệu đồng/lượng. Nếu nhân số tiền này với hàng trăm tấn vàng đang cất trong tủ, trong két sắt của dân thì tổng tài sản mà chúng ta thiệt hại lên đến hàng tỉ đôla. Đây là điều rất đáng tiếc. - Vậy làm sao để khơi thông được nguồn vốn to lớn đang cất giữ trong két sắt này nhằm phục vụ cho nền kinh tế, thưa ông? Bấy lâu nay, các cá nhân, tổ chức khi gửi vàng tại các ngân hàng đều phải trả phí để thuê một két sắt và tự quản lý tài sản. Chính điều này làm người dân chùn bước khi gửi vàng. Nhưng nếu thành lập SGDVQG thì vàng vật chất trong dân có thể sẽ “chạy thẳng” vào NHNN. Điều này có nghĩa là sàn vàng đảm nhiệm hai chức năng: Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Theo đó, với thị trường sơ cấp: Các ngân hàng thương mại thông qua khách hàng và các dịch vụ để thu hút vàng trong dân nhưng không thu phí và phát cho họ chứng chỉ vàng tương ứng với tuổi vàng mà bà con gửi. Với thị trường thứ cấp: Tổ chức, cá nhân giữ chứng chỉ vàng và khi có nhu cầu thì có thể bán chứng chỉ vàng trên SGDVQG. Với cách làm này vừa đảm bảo chống được tình trạng vàng hóa vừa chống được đầu cơ vàng, vì các đối tượng kinh doanh trên sàn thứ cấp được giới hạn. Sàn vàng tập trung - sàn vàng thứ cấp có thể do NHNN ủy nhiệm cho một số ngân hàng thương mại có kinh nghiệm hoặc tổ chức kinh doanh vàng uy tín đứng ra điều hành. Cần có chính sách hợp lý để huy động hiệu quả nguồn vàng nhàn rỗi. Trong ảnh: Người dân đang mua bán vàng. Ảnh: HTD Có thể hạn chế tình trạng đầu cơ - Như vậy, với việc lập SGDVQG, ngân hàng không huy động hay cho vay vàng theo cách như trước đây? Đúng vậy. Trên thị trường sơ cấp chỉ có một chiều là vàng chạy vào NHNN và trên thị trường thứ cấp chỉ có một chiều là kinh doanh vàng giấy (chứng chỉ vàng) chứ không có vàng vật chất. Chứng chỉ vàng dễ dàng chuyển hóa thành tiền khi cần. Mặt khác, thông qua hình thức này người có vàng cũng an toàn hơn là cất giữ tại nhà. Như vậy, SGDVQG hoạt động tốt về lâu dài sẽ giảm thiểu tình trạng vàng hóa, góp phần ổn định tỉ giá. Trong khi đó, NHNN huy động được một nguồn lực hùng hậu phục vụ phát triển đất nước. Quan trọng hơn, với nguồn lực vàng này nếu đem làm tài sản đảm bảo, Chính phủ có thể huy động trái phiếu trên thị trường quốc tế với lãi suất thấp hơn. Điều này giống như một anh vay có bảo đảm với anh vay không có bảo đảm, chắc chắn lãi suất sẽ khác nhau (vay có bảo đảm chịu lãi suất thấp hơn - PV). Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển. - Nhưng một số ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ, làm giá trên sàn vàng? SGDVQG đương nhiên là hoạt động theo cơ chế thị trường và các hành vi kinh doanh cũng phải tuân theo cơ chế thị trường. Còn việc kiểm soát hiện tượng đầu cơ, lũng đoạn giá trên sàn vàng không quá khó. Tùy theo từng đối tượng mà NHNN sẽ có biện pháp khống chế về tỉ lệ kinh doanh trên chứng chỉ vàng. Dựa trên định mức đó cơ quan quản lý đủ sức kiểm soát được tổng trạng thái mua khống, bán khống trong một ngày trên thị trường thứ cấp.
Theo Thùy Linh (Pháp luật TP HCM) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|