top-banner-2

Thứ tư, 09/03/2016, 10:35 GMT+7

Kỳ 1: Làm sao trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông?

Lại trở thành Hòn ngọc Viễn Đông là ước mơ của người dân Sài Gòn, và tôi nghĩ cũng là ước mơ của ông Đinh La Thăng. Để TP.HCM trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông không có một bài toán nào cả, chỉ có một cách: tháo bỏ toàn bộ những kìm hãm trói buộc đi kèm với việc thiết lập một nền pháp trị, tạo điều kiện cho mọi người được tự do làm ăn, bàn tay vô hình sẽ biến sự tự do làm ăn đó thành sự thịnh vượng chung của xã hội.  

Khi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiều người cho rằng chắc sẽ có “kịch hay”. Bởi vì với tính cách cùng những tuyên bố gây sốc của ông khi làm Bộ trưởng Giao thông vận tải chắc gì thích hợp với việc lãnh đạo một thành phố lớn nhất nước, nơi mà kinh tế thị trường là hòn đá thử vàng của mọi chính sách và tài năng lãnh đạo.

Nhưng mới nhận nhiệm vụ trong một thời gian ngắn, ông Đinh La Thăng đã tỏ ra rất được lòng dân, không chỉ bằng những lời tuyên bố mà còn bằng lời nói đi đôi với việc làm. Chưa bao giờ đảm nhận công tác tại TP.HCM nhưng hình như ông hiểu khá rõ những vấn đề của thành phố này. Bình dị, nhanh nhạy, thực tế và thạo việc, ông Đinh La Thăng và những người như ông là hình ảnh của một nhà lãnh đạo mà đông đảo người dân đang mong đợi. Bởi vậy ông đang là nhân vật chính trị “hot” nhất trên truyền thông. Ông đi đâu, làm gì cũng được báo chí săn đón.

Tuy nhiên, báo chí vô tình có thể biến ông Đinh La Thăng thành một nhà chính trị dân túy khi quá quan tâm đến những tuyên bố gây sốc và những động thái làm vừa lòng đám đông.

 Hon ngoc Vien Dong

 Bí thư Đinh La Thăng gặp gỡ các bà mẹ Việt Nam anh hùng

Việc ông Đinh La Thăng đến thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng và chỉ đạo sửa đường cho mẹ đi, sửa bếp cho mẹ đỡ vất vả là việc làm cảm động và có hiệu ứng tức thời. Nhưng phải hiểu đây là một hành động biểu tượng để nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp chăm sóc chu đáo hơn những người có công với nước. Bởi vì ông Đinh La Thăng không thể đi thăm hết các bà mẹ Việt Nam anh hùng của thành phố và ngân sách của thành phố cũng không thể có đủ để sửa đường hay làm bếp cho tất cả các bà mẹ Việt Nam anh hùng của thành phố có hoàn cảnh tương tự, đó là chưa nói đến bà mẹ Việt Nam anh hùng nào của cả nước cũng cần được chăm sóc đúng mực như vậy. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu Nhà nước có điều kiện chăm lo chu đáo để không có người có công với nước nào sống trong nghèo khó và không có người bất hạnh nào rơi xuống mức sống tối thiểu. Nhưng muốn làm được điều đó, ngân sách của Nhà nước phải tăng lên, mà ngân sách tăng sẽ kéo theo thuế tăng hoặc nợ công tăng. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách xã hội cần được tiến hành chu đáo và công bằng, nhưng nếu làm tăng thuế hoặc tăng nợ thì không những cản trở quá trình phát triển của đất nước mà ngay cả các chính sách này cũng khó được duy trì bền vững và lâu dài.

Việc “ráp mối” giữa người nuôi bò sữa, Vinamilk và chính quyền huyện Củ Chi theo phong cách Đinh La Thăng cũng rất ấn tượng. Tất nhiên ông Đinh La Thăng sẽ không chỉ đạo “trồng cây gì nuôi con gì”, tôi tin là như vậy, động thái của ông chỉ nhằm khai thông thị trường mà thôi. Ông cũng không có đủ thời giờ để “ráp mối” tiêu thụ heo gà hay các loại nông sản khác, vốn cũng không khác gì tình trạng tiêu thụ sữa. Từ chuyện con bò sữa, có thể phăng ra những ách tắc trên thị trường nông sản. Ở đây có thể rút ra những bài học đắt giá về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một chủ trương được đề ra từ 30 năm trước nhưng chưa có nhiều bài học thực tiễn. Muốn cho thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó thì Nhà nước phải lùi khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh, lùi càng xa càng tốt. Phải chấp nhận những rủi ro mà kinh tế thị trường đem lại, kể cả việc cá lớn nuốt cá bé, và phải hiểu rằng những thành tựu mà thị trường tự do mang lại cho xã hội,  sau khi trừ đi phần rủi ro, là lớn hơn rất nhiều so với kết quả của sự can thiệp nhằm bảo đảm cho thị trường phát triển “đúng hướng”. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa thì sao? Là sao đi chăng nữa thì điều cốt lõi vẫn là phải bảo đảm sự công bằng cho mọi doanh nghiệp và cá nhân tham gia thị trường. Muốn vậy, trước hết phải loại bỏ những cơ chế chính sách tạo lợi thế cho người hoặc doanh nghiệp này và bất lợi cho người hoặc doanh nghiệp khác, thứ đến là áp dụng luật pháp một cách bình đẳng cho mọi thành phần tham gia thị trường.

 Hon ngoc Vien Dong

 Bí thư Đinh La Thăng trong buổi gặp gỡ với bà Mai Kiều Liên

Kết quả cuộc trao đổi giữa ông Đinh La Thăng với bà Mai Kiều Liên của Vinamilk cho thấy Vinamilk thực hiện đúng các thỏa thuận mà họ đã ký kết với nông dân. Việc khó khăn trong tiêu thụ sữa của một số nông dân là do những bà con này hoặc là không thực hiện đúng thỏa thuận đã ký kết với Vinamilk; hoặc là không có hợp đồng thỏa thuận nên chất lượng sữa không đúng như Vinamilk yêu cầu; hoặc là gặp vướng mắc khi thỏa thuận với các đơn vị khác. Đó là rủi ro mà chính các nông dân này phải gánh chịu khi tham gia thị trường, không phải thuộc trách nhiệm của Đảng hay chính quyền địa phương.

Trong trường hợp những nông dân không tiêu thụ được sữa vướng mắc với các doanh nghiệp mua sữa khác, nếu cái sai thuộc về các doanh nghiệp thì cách duy nhất là chính những nông dân khởi kiện các doanh nghiệp mua sữa nói trên để đòi đền bù thiệt hại. Giả dụ như chính Vinamilk có làm sai trong tương lai thì cũng phải làm như vậy. Trách nhiệm hỗ trợ về mặt pháp lý cho nông dân thuộc về Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hoặc Đoàn Thanh niên, chứ chưa phải do Đảng hay chính quyền địa phương. Trách nhiệm của Đảng hay chính quyền địa phương gián tiếp hơn, là làm sao cho các cơ quan tư pháp vận hành được suôn sẻ, để người nông dân tiếp cận với tòa án một cách dễ dàng, tránh tình trạng “con kiến đi kiện củ khoai” đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Và động thái đáng chú ý nhất của ông Đinh La Thăng là thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi làm việc với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Ngày nay không còn ai phản đối việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nữa, nhưng quá trình cổ phần hóa sau khi được đẩy nhanh dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã chậm lại trong những năm gần đây. Tiến độ cổ phần hóa trước hết phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo. Những tuyên bố của ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm đó. Đây không chỉ là việc bảo toàn vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chống tham nhũng. Cổ phần hóa, thực chất là quá trình Nhà nước lùi xa khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh để huy động một cách cao nhất mọi nguồn lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế. Khi còn là Thủ tướng, ông Phan Văn Khải từng tuyên bố Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được, rất tiếc là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ lúc đó chưa biến thành quyết tâm chung của bộ máy nhà nước.

TP.Hồ Chí Minh có truyền thống tự do kinh doanh từ rất lâu đời, bắt đầu từ thời các Chúa Nguyễn. Từ truyền thống đó mà Sài Gòn đã trở thành Hòn ngọc Viễn Đông. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn còn thịnh vượng hơn cả Hồng Kông, Seoul, còn Bangkok thì chẳng là cái gì cả so với nó. Nó trở thành Hòn ngọc Viễn Đông không phải do “công lao” của các chính quyền cũ mà là do các chính quyền cũ “thả tự do” cho nó phát triển. Dù bị chiến tranh và cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kìm hãm, nhưng Sài Gòn-TP.HCM vẫn âm ỉ truyền thống tự do kinh doanh, hễ tháo gỡ là tự trỗi dậy, tháo gỡ tới đâu tự trỗi dậy tới đó. Có thể nói thẳng, công lao của các nhà lãnh đạo đối với sự phát triển của TP.HCM không phải là đem lại cho TP.HCM những gì mà là cởi bỏ những trói buộc để TP.HCM tự phát triển. Và sự phát triển của TP.HCM hiện nay chính là hiệu số giữa sự phát triển tự nó trừ đi sự kìm hãm - sự kìm hãm dù đã bị cởi bỏ rất nhiều sau 30 năm đổi mới nhưng vẫn còn không ít từ cơ chế chính sách và từ chính bộ máy của thành phố.

Lại trở thành Hòn ngọc Viễn Đông là ước mơ của người dân Sài Gòn, và tôi nghĩ cũng là ước mơ của ông Đinh La Thăng. Để TP.HCM trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông không có một bài toán nào cả, mọi sự so sánh đối chiếu để tính bao nhiêu năm thì tiến kịp nơi này nơi kia đều dẫn đến nản lòng. Chỉ có một cách, là tháo bỏ toàn bộ những kìm hãm trói buộc đi kèm với việc thiết lập một nền pháp trị, và theo tinh thần của Adam Smith, hãy tạo điều kiện cho mọi người được tự do làm ăn để tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho mình, một bàn tay vô hình sẽ biến sự tự do làm ăn đó thành sự thịnh vượng chung của xã hội.

(Còn tiếp)

Theo Hoàng Hải Vân - Motthegioi


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kỳ 1: Làm sao trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông?

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3