Petrolimex vi phạm ngàn tỉ? |
Theo Thanh tra Chính phủ, với việc điều chỉnh giá bán nội bộ lệch với giá điều chỉnh của liên bộ Tài chính - Công Thương, Petrolimex thu lợi gần 1.000 tỉ đồng Theo Thanh tra Chính phủ, Petrolimex nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm giá bán xăng không đúng với điều chỉnh của nhà nước. Ảnh: Tấn Thạnh Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kết thúc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên, do các bộ Tài chính, Công Thương và Petrolimex không đồng tình với một số nội dung nên Chính phủ đã đề nghị TTCP chỉnh sửa kết luận thanh tra này. “Điều chỉnh giá để hưởng lợi” TTCP cho biết tháng 9-2008, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu chi phí cao, giá định hướng xăng dầu được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1). Tuy nhiên, Petrolimex lại ban hành quy định tiếp tục phân vùng và thực hiện giá bán lẻ vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá bán lẻ nhà nước quy định. Điều này dẫn đến doanh thu vùng 2 tăng trên 2.796,8 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 2-2010 đến cuối tháng 6-2013. Theo TTCP, từ năm 2010 đến ngày 30-6-2013, Petrolimex đã nhiều lần điều chỉnh giá bán nội bộ với tổng lợi nhuận thu về khoảng 920 tỉ đồng. Cụ thể, ở đợt điều chỉnh từ ngày 26-8 đến 10-10-2011, liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng RON 92 giảm 500 đồng/lít nhưng Petrolimex lại điều chỉnh tăng giá bán nội bộ thêm 102 đồng/lít. Tương tự, từ ngày 31-10 đến 11-11-2012, trong khi liên bộ điều chỉnh tăng 650 đồng/lít thì Petrolimex giảm 100 đồng/lít và từ ngày 1 đến 14-12-2012, liên bộ điều chỉnh giảm 500 đồng/lít, Petrolimex lại tăng 200 đồng/lít.. Về quản lý hao hụt xăng dầu, TTCP cho hay từ năm 2010 đến nay, định mức hao hụt xăng dầu do Petrolimex xây dựng, ban hành đều có xu hướng giảm dần nhưng định mức hao hụt tổng hợp các công đoạn vẫn cao hơn hao hụt thực tế 35%-48%. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6-2013, hao hụt qua kho có giá trị lên tới trên 2.932 tỉ đồng nhưng Petrolimex hạch toán vào giá vốn theo quy định tại quy chế kinh doanh xăng dầu, không hạch toán theo hao hụt thực tế làm phát sinh chênh lệch giữa hao hụt tính theo định mức và hao hụt thực tế khi kiểm kê. Ngoài ra, trong hoạt động đầu tư tài chính, từ năm 2010, Petrolimex và một số đơn vị đã có những khoản đầu tư kém hiệu quả. Điển hình như đầu tư vào Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex chỉ đạt tỉ suất lợi nhuận 2,8%; đầu tư vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex chỉ đạt 2%... Do lỗ hổng chính sách! Trước những nội dung được TTCP nêu như trên, Petrolimex đã có văn bản giải trình gửi Chính phủ và TTCP. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát lại và có chỉnh sửa phù hợp. Theo PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), tuy chưa biết Thủ tướng sẽ có ý kiến kết luận ra sao về nội dung thanh tra nêu trên nhưng nhìn vào thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, rõ ràng có nhiều bất cập dẫn đến nhiều hoài nghi về tính minh bạch. “Báo chí từng phản ánh về việc doanh nghiệp (DN) điều hành giá theo kiểu tăng nhanh, giảm chậm trong một thời gian dài trước đây. Có thể thấy cung cách điều hành này đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho DN thông qua hưởng chênh lệch giá. Người dân vì thế cũng đặt câu hỏi phải chăng đây là lý do dẫn đến Petrolimex lãi đậm thời gian qua?” - ông Đào phân tích. Về nội dung được TTCP chỉ ra xung quanh những bất cập trong quản lý hao hụt xăng dầu, PGS-TS Đặng Đình Đào cũng cho rằng đây là vấn đề lớn và cần được xem xét nghiêm túc. “Hao hụt như số liệu công bố là điều rất phi lý bởi đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại thì hao hụt phải ngày một ít đi. Hơn nữa, hao hụt các khâu giảm mà hao hụt tổng lại tăng là điều khó hiểu. Nhà nước nên kiểm tra, giám sát, đánh giá về mức độ hao hụt cho hợp lý, tránh để DN tự quyết định dẫn đến gánh nặng đổ lên giá xăng dầu, buộc người dân phải chịu” - ông Đào chỉ rõ. Góp ý về cơ chế, theo ông Đào, nếu quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, tách bạch hơn thì việc điều hành xăng dầu mới tốt lên được. Nghị định 83/2014 ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu ra đời tuy có tiến bộ so với Nghị định 84/2009 nhưng vẫn cần phải tiếp tục tạo môi trường cạnh tranh thực sự cho thị trường. “Nói ngành xăng dầu có vài chục đầu mối cạnh tranh nhưng thực tế 1 DN thống lĩnh thị trường thì không thể có bình đẳng đúng nghĩa được. Những nội dung được TTCP chỉ ra thực chất đều xuất phát từ những lỗ hổng về chính sách, cần phải được khắc phục” - ông Đào đề nghị.
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|