Giám đốc chuột gỗ tái khởi nghiệp với... xe đạp |
Ý tưởng sản xuất xe đạp khung gỗ hình thành sau chuyến đạp xe xuyên Việt của Đỗ Bá Huy - chàng giám đốc từng nổi danh với sản phẩm chuột gỗ made in Vietnam. Áp lực nợ nần sau nhiều lần kém may mắn trong kinh doanh đã khiến Đỗ Bá Huy thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt vào cuối năm 2013, với cái cớ bán chuột dạo nhưng thực tâm muốn gặp gỡ, kết nối nhân duyên và tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới. Trở lại TP HCM, anh lên kế hoạch làm ăn trang trải nợ nần. Doanh nghiệp của anh Huy được thành lập từ năm 2008, chuyên sản xuất chuột máy tính, bàn phím, đế tản nhiệt và bàn dành cho laptop với thương hiệu Kunkun. Tất cả đều có nguyên liệu từ gỗ. Nhiều người khi đó đã cho anh là "kẻ húc đầu vào tường" vì ở ngoài thị trường, chuột Trung Quốc được bán nhiều, với giá chỉ vài chục nghìn đồng một chiếc. Sau thời gian chuẩn bị những con chuột gỗ "made in Việt Nam" cũng ra đời và nhận được sự quan tâm của giới công nghệ khi lọt vào vòng chung khảo 17 sản phẩm "Nhân tài Đất Việt" năm 2011, sau đó tham gia chương trình nhà sáng chế trên đài truyền hình. Khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012, nhiều tháng doanh số của công ty lên đến hơn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đến cuối 2012, đầu 2013, khó khăn liên tục ập đến. Tình hình tài chính không đủ mạnh để vượt khó khăn, cộng với những sai lầm trong việc gia công... đã kéo công ty đi xuống và dừng hoạt động. Giám đốc Đỗ Bá Huy cũng phải cầm cố nhà để trả nợ. Chiếc xe đạp có khung làm từ sợi mây, tre và dừa kết hợp với gỗ được bán với giá 800-1.500 USD. Tháng 7 năm ngoái, anh Huy trong trang phục quần cộc, áo thun, đội nón tai bèo, khoác khăn rằn quanh cổ đạp xe rong ruổi từ TP HCM ra Hà Nội với dòng chữ "Bán chuột dạo, kết nối đam mê". Chuyến đi này, anh Huy cũng không mang theo tiền mà chỉ dùng số tiền thu được từ bán chuột máy tính bằng gỗ để làm lộ phí đi đường. Sau gần một tháng, anh đặt chân tới Hà Nội, rồi quay lại TP HCM để làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Ý tưởng sản xuất xe đạp khung gỗ xuất hiện khi anh đạp xe tới đỉnh đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình). Xe được đặt tên là Podu, có hai phần. Phần khung được làm từ sợi mây, tre, dừa và gỗ kết hợp. Phần này sẽ tạo nên sườn xe theo chuẩn kích thước quốc tế các hãng xe thể thao lớn... Những phụ tùng còn lại như bánh, giảm sóc, tay lái do chưa đủ nguồn lực để làm nên anh Huy lắp ráp bằng đồ nhập khẩu. Với niềm đam mê đồ gỗ thủ công nên anh Huy vẫn theo đuổi con đường cũ, sáng tạo thêm các sản phẩm mới như xe đạp, USB thay đổi phương thức quản lý và gia công. Xưởng sản xuất được dựng ngay trên đất cạnh nhà bố mẹ anh. Máy móc, thiết bị từ công ty cũ còn lại nên không phải đầu tư thêm vốn. Các phụ tùng xe đạp, anh hợp tác với các đại lý, bán được hàng thì trả. Do không dư giả về vốn nên mỗi tháng anh nhận đơn hàng rồi mới tiến hành sản xuất, tránh gánh thêm các khoản nợ. Cách quản lý cũng phải thay đổi nên đồng nghiệp của anh hiện nay không nhận lương cứng, mà tính dựa trên số lượng hàng bán được. "Khi đơn hàng và sản phẩm bán ra nhiều thì lương anh em cao và ngược lại, cùng nhau vượt khó khăn bằng những việc làm thêm khác", anh Huy cho hay. Ông chủ này cho biết, đến nay đã bán được khoảng 10 chiếc xe với giá từ 800 đến 1.500 USD (tương đương 17 đến 32 triệu đồng mỗi chiếc) đều chạy khá ổn định Tuy nhiên, theo anh Huy, đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển để chế tác những sản phẩm chuẩn nên mức lợi nhuận chưa cao. "Khi nghiên cứu chế tạo được mô hình chuẩn rồi, tìm được nguồn vốn đầu tư, có thể mình sẽ sản xuất hàng loạt theo đơn", anh Huy cho hay. Ngoài mặt hàng xe đạp, anh Huy còn sản xuất thêm USB vỏ gỗ, hình bản đồ Việt Nam và đặt tên sản phẩm là Lengkeng. Lõi USB được anh nhập hàng từ một thương hiệu nổi tiếng. Còn vỏ ngoài làm từ gỗ. Mỗi chiếc được bán với giá 15 USD, và anh có lãi khoảng một phần ba. Mỗi tháng, đơn vị của anh sản xuất khoảng vài ngàn sản phẩm theo đơn đặt hàng. Gỗ cao su là nguyên liệu chính để làm ra những chiếc USB và phần khung xe đạp được anh Huy nhập về từ miền Trung. "Cây cao su vốn là những loại cây thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ nhưng khi chuyển ra miền Trung trồng thì không hiệu quả, mưa bão nhiều hay đổ gãy nên mình tận dụng", anh cho hay. Về kế hoạch trả nợ, ông chủ trẻ cho biết cách quan trọng là phải chi tiêu tiết kiệm. "Mỗi tháng tiền làm ra thì bỏ vào một cái túi, cuối tháng thấy đầy vơi thì cũng chia nhỏ ra mà thanh toán từng khoản nợ", anh cho hay và ôm hoài bão sẽ đưa các sản phẩm này sang nước ngoài. Cũng ý thức rằng, giấc mơ đó là quá sức so với tiềm lực của anh ở thời điểm này nhưng ông chủ trẻ vẫn muốn gửi gắm thông điệp vào các sản phẩm là "Ai cũng có ước mơ, đừng từ bỏ nó". Sau một tháng đạp xe xuyên Việt, anh Huy cho biết đã suy nghĩ và đúc kết nhiều điều. "Trước đây, mình sai ở chỗ là chưa chuẩn bị đủ nguồn lực để công ty để đối diện sóng gió, rồi phải trả giá đắt, làm mệt mỏi rất nhiều người như gia đình, nhân viên, đối tác.... Hơn nữa, là chủ doanh nghiệp nhưng lúc đó mình chưa biết cách thích nghi cho phù hợp với môi trường thương mại và kém khôn ngoan trong xử lý khủng hoảng", ông chủ trẻ cho hay. Do đó, theo anh Huy, giờ là lúc phải chậm rãi, làm từng bước, nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể vồ vập và nóng vội. Theo Vnexpress
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|