top-banner-2

Chủ nhật, 06/04/2014, 13:09 GMT+7

Những doanh nhân người Việt gốc Hoa thành công

Đều khởi nghiệp từ những cơ sở nhỏ, trải qua nhiều sóng gió trên thị trường, những doanh nhân người Việt gốc Hoa này đã khẳng định được vị trí quán quân trong lĩnh vực mà họ nắm giữ tại thị trường Việt Nam.

1. Cô Gia Thọ -  Tập đoàn Thiên Long

alt

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long nguyên quán Quảng Đông (Trung Quốc) sinh năm 1958 tại TP HCM. Năm 1981, ông từng đi bán bút bi dạo. Đến 1996, làm chủ cơ sở sản xuất bút bi Thiên Long.

Thời kỳ ấy, thị trường Việt Nam và Campuchia chỉ có hàng của Thái Lan. Bút bi hiếm đến mức người ta phải bơm mực vào để tái sử dụng. Nhờ đoán đúng nhu cầu, bút bi Thiên Long dần chiếm lĩnh thị trường. Giờ đây vị thuyền trưởng đã quá ngũ tuần này vẫn luôn dẫn dắt công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực văn phòng phẩm.

Thiên Long hiện có 4 trong tổng số 8 thành viên Hội đồng quản trị là người trong gia đình ông Cô Gia Thọ. Gia đình ông Thọ trực tiếp sở hữu 10,7% cổ phần của Thiên Long và nắm giữ gián tiếp 52,4% qua công ty Thiên Long An Thịnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty tăng 24,3%, lợi nhuận sau thuế 2013 đạt 116,1 tỷ đồng, tăng 16% so với 2012.

2. Anh em họ Trần - Kinh Đô

alt

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng hai cho lãnh đạo Tập đoàn Kinh Đô

Nguyên quán ở Trung Quốc, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên thuộc thế hệ đầu 1960, đang dẫn dắt Tập đoàn Kinh Đô chiếm thị phần lớn trong ngành bánh kẹo Việt Nam.

Bắt đầu khởi nghiệp với tiệm bánh nhỏ của gia đình, đến năm 1993 nhận thấy thị trường có nhiều thuận lợi, 2 anh em bắt tay vào thành lập Công ty xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên tại Phú Lâm, quận 6, TP HCM. Thời ấy, công ty này tập trung vào sản xuất Snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường. Cũng từ ấy Kinh Đô mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau.

Đến cuối 2005, cổ phiếu KDC của Công ty cổ phần Kinh Đô niêm yết. Lấy chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) làm đòn bẩy để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và mở rộng ngành hàng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Kinh Đô đã ghi dấu ấn tiên phong, nhạy bén trong hoạt động M&A với hàng loạt thương vụ hợp tác cùng các đối tác lớn cả trong và ngoài nước.

Thương vụ đầu tiên là mua lại nhà máy kem Wall của Unilever vào năm 2003, sau đó thành lập Công ty cổ phần Kido để tiếp quản nhà máy này. Đến năm 2005, Kinh Đô tiếp tục nắm cổ phần chi phối của Tribeco; năm 2007 đầu tư vào Nutifood, năm 2008 mua lại Vinabico. Tuy nhiên, sau đó Kinh Đô đã thoái vốn khỏi Tribeco và Nutifood.

CEO Kinh Đô cho biết họ đang chiếm hơn 30% thị phần bánh kẹo và và có nhiều sản phẩm dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn trong cùng phân khúc. Đến năm 2013, Kinh Đô đã có 4 nhà máy, 5 công ty thực phẩm, 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán lẻ và 8.000 lao động.

Năm qua, công ty đạt kết quả kinh doanh vượt bậc với lợi nhuận sau thuế 2013 hơn 500 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong 2013, hai anh em họ Trần này cũng đã lọt vào top 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect thống kê.

3. Vưu Khải Thành - Biti’s

alt

Vị doanh nhân gốc Hoa này đi lên từ hai tổ hợp sản xuất nhỏ được thành lập vào tháng 1 năm 1982 là Bình Tiên và Vạn Thành với 20 công nhân chuyên sản xuất dép cao su đơn giản.

Nhiều lần chịu cạnh tranh khốc liệt bởi giày dép Thái Lan và Trung Quốc, tuy nhiên với sự kiên trì bền bỉ, vị doanh nhân này vẫn dẫn dắt công ty mình phát triển. Năm 1986, ông Thành quyết định sáp nhập 2 cơ sở trên thành Hợp tác xã cao su Bình Tiên đặt tại quận 6. Lúc này cơ sở mở rộng ở các phân khúc dép và hài chất lượng cao tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu và Tây Âu.

Năm 1990, hàng ngoại nhập tràn vào Việt Nam, để cạnh tranh ông Thành đã thay đổi bằng cách đầu tư mới hoàn toàn công nghệ của Đài Loan và sản xuất sản phẩm mới, đó là giày dép xốp EVA. Năm 1992, một lần nữa ông Thành quyết định chuyển hợp tác xã thành thành Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) chuyên sản xuất dép xốp các loại, sandal thể thao, giày tây, hài... Đây cũng là thời kỳ mà phân khúc dép xốp đặc biệt dành cho trẻ em của công ty ông Thành phát triển mạnh trên thị trường Việt và hầu như không có đối thủ.

Sau 3 năm phát triển, ông tiếp tục đổi tên công ty thành Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (Dona Biti's), phân khúc dép xốp vẫn luôn là phân khúc chủ lực của công ty này. Hiện, thị phần về dép xốp trẻ em ở Việt Nam công ty này vẫn dẫn đầu.

4. Lý Ngọc Minh - Gốm sứ Minh Long

alt

Ông Lý Ngọc Minh và đam mê nghề gốm truyền thống

Là người có nguyên quán tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nhưng sinh ra tại Bình Dương, kế thừa truyền thống gốm sứ của gia tộc, năm1970 ông Lý Ngọc Minh bắt đầu thành lập Công ty gốm sứ Minh Long I tại Bình Dương (Việt Nam). Sau một thời gian có vị thế trên thị trường, ông tập trung xuất khẩu đồ gốm mỹ nghệ, đứng đầu là thị trường Pháp.

Năm 1995, công ty bắt đầu đầu tư sản xuất bộ đồ ăn bằng sứ cao cấp. Hiện nay, các sản phẩm Minh Long I đã được tiêu thụ mạnh và xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan, Tiệp Khắc và Mỹ. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ 2010 đến nay, mặc dù nhiều công ty gốm sứ điêu đứng nhưng Minh Long vẫn trụ vững.

Doanh nhân này từng cho biết, sứ cao cấp của Minh Long I hiện nay chiếm khoảng 90% thị trường trong nước. Trong 2012, ông Minh đã lọt vào top 500 người tiên phong do VnExpress.net bình chọn.

Bên cạnh đó, ông Lý Ngọc Minh còn là người khơi nguồn sáng tạo cho 3 tác phẩm sứ đạt kỷ lục Việt Nam là Cúp Hồn Việt, Chén Ngọc Văn Lang và Cúp Sen Vàng.

Theo Doanhnhansaigon


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những doanh nhân người Việt gốc Hoa thành công

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3