Cao nguyên đá Tủa Chùa hoang sơ và mãnh liệt |
Cao nguyên đá Tủa Chùa gây thương nhớ với nét đẹp thiên nhiên hoang sơ và văn hóa đậm đà bản sắc nơi núi rừng Điện Biên. Cao nguyên đá Tủa Chùa là một vùng núi đá vôi thuộc xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130km. Đến với cao nguyên đá Tủa Chùa, du khách không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn được khám phá bản sắc văn hóa độc đáo của người dân bản địa nơi đây. "Rừng đá" Tủa Chùa nguyên sơ Tuy không có nhiều dãy núi đồ sộ, mật độ đá tai mèo dày và thảm thực vật đa dạng như cao nguyên đá Đồng Văn nhưng cao nguyên đá Tủa Chùa vẫn làm du khách say mê trước vẻ đẹp nguyên vẹn, mộc mạc của mình. Cao nguyên đá Tủa Chùa hoang sơ trong mắt du khách - Ảnh: TRẦN HÙNG Di chuyển khoảng 35km từ thị trấn Tủa Chùa lên cao nguyên, du khách sẽ đi qua con đường núi dốc, cheo leo, uốn lượn theo vách núi dựng đứng. Với chiều dài khoảng 4km và nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, nhìn từ trên cao, cao nguyên đá nổi bật với những phiến đá tai mèo xếp tầng xếp lớp, vững chãi, uy nghiêm giữa đất trời. Càng lên cao, đường càng khó đi nhưng du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác "săn mây", mây phủ đỉnh đầu, đất trời như hòa làm một với nhau. Anh Trần Hùng (Hà Nội) ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình trên cao nguyên đá Tủa Chùa - Ảnh: NVCC Thích khám phá thiên nhiên, núi rừng, anh Trần Hùng (Hà Nội) không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ của Tủa Chùa. "Cảnh vật vẫn giữ được nguyên vẹn những nét vốn có và làm cho lòng người thật nhẹ nhõm, xua tan đi những mệt mỏi của cuộc sống hối hả thường ngày. Trong chuyến đi đó, chúng tôi còn được dẫn tới rừng chè Shan Tuyết cổ thụ ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa (cách cao nguyên đá khoảng 60km) để chiêm ngưỡng những cây chè có niên đại lên tới vài trăm năm và được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi còn được chung vui với đám cưới của hai bạn trẻ người Dao ở Tủa Chùa", anh Hùng chia sẻ. Người dân đi thu hoạch ngô trên núi đá - Ảnh: ĐẶNG TIẾN CÔNG Sức sống mãnh liệt trên cao nguyên đá Tủa Chùa Với địa hình 70% diện tích huyện là núi đá vôi, nên khi đặt chân tới cao nguyên đá Tủa Chùa, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh toàn đá là đá. Tưởng chừng sẽ khó có sự sống nào ở giữa những lớp đá tai mèo trùng điệp ấy. Nhưng đây lại là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc người Mông từ bao đời nay. Sắc màu đặc trưng của văn hóa bản địa cũng góp phần tạo nên một bức tranh Tủa Chùa muôn màu thu hút khách du lịch. Cô gái Mông khâu vá dưới hiên nhà - Ảnh: ĐẶNG TIẾN CÔNG Nhịp sống bình dị, đậm màu sắc văn hóa của người dân tộc Mông ở Tủa Chùa cũng là điều khiến anh Trần Hùng ấn tượng. Mật độ dân cư ở Tủa Chùa rất thấp, mỗi bản cách nhau đến hàng chục km. Người dân ở Tủa Chùa còn nghèo nhưng họ luôn cần cù, chịu khó canh tác trên núi đá. Họ tận dụng chính các hốc đá để đổ đất, trồng rau, trồng ngô và trồng lúa ở các thung lũng không có đá, phục vụ cuộc sống. Tủa Chùa cũng có đá tai mèo như trên cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: TRẦN HÙNG Đi Tủa Chùa mùa nào đẹp? Cao nguyên đá Tủa Chùa là điểm đến phù hợp cho những ai ưa thích loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá bởi vì nơi đây chưa phát triển về du lịch. Những dịch vụ tiện ích như khách sạn, quán ăn rất ít. Vì vậy, du khách nên đi trong ngày và về thị trấn nghỉ ngơi qua đêm. Bạn nên chủ động chuẩn bị đồ ăn cho một ngày rong ruổi. Thời gian thích hợp nhất để đi cao nguyên đá Tủa Chùa là vào tháng 9 đến tháng 5 hằng năm. Vào thời điểm này, thời tiết sẽ mát mẻ và dễ chịu. Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để du khách được ngắm hoa đào nở khắp cao nguyên và trải nghiệm những lễ hội, văn hóa đầu xuân của người dân vùng đất Tủa Chùa. (Nguồn: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|