top-banner-2

Thứ tư, 24/04/2024, 10:08 GMT+7

Về Điện Biên dịp lễ 30-4 và 1-5 trong không khí đại lễ hào hùng

 

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng của khát vọng hòa bình và ý chí độc lập, tự do - Ảnh: NAM TRẦN

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng của khát vọng hòa bình và ý chí độc lập, tự do - Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày này, muôn trái tim hướng về Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

Mảnh đất Điện Biên anh hùng sau 70 năm đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, đặc biệt là thế mạnh về tiềm năng du lịch, văn hóa - lịch sử, là địa điểm lý thú để khám phá trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. 

Dưới đây là một số điểm đến bạn không nên bỏ qua.

Khu di tích đồi A1

Đồi A1 tọa lạc ở phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ), là địa điểm đầu tiên và quan trọng nhất cần khám phá trong quần thể di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ.

Tại đồi A1, quân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của quân và dân ta với quân địch.

Di tích lịch sử đồi A1 nhìn từ trên cao - Ảnh: NAM TRẦN

Di tích lịch sử đồi A1 nhìn từ trên cao - Ảnh: NAM TRẦN

Hầm De Castries

Hầm chỉ huy của tướng De Castries (Đờ Cát) được xây dựng rất kỳ công, nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương.

Ngày 7-5-1954, cách đây 70 năm, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta.

Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí của hầm vẫn được giữ nguyên để du khách tham quan với chiều dài 20m, rộng 8m.

Cách đây 70 năm, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries - Ảnh: NAM TRẦN

Cách đây 70 năm, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries - Ảnh: NAM TRẦN

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bảo tàng với kho tư liệu quý giá với hàng ngàn tài liệu lịch sử (nhiều tài liệu chuyên sâu), hiện vật, hình ảnh… về chiến dịch Điện Biên Phủ thu hút rất đông du khách đến tìm hiểu.

Đặc biệt nơi đây hiện trưng bày bức tranh panorama toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, được mệnh danh là bức tranh tròn có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Càng cận kề dịp lễ, các đoàn khách, đặc biệt là đoàn cựu chiến binh đến ghé thăm bảo tàng ngày một đông. Do đó trong đợt cao điểm tháng 4, tháng 5, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ du khách tham quan vào buổi tối.

Bức tranh tường panorama toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ tại bảo tàng thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng - Ảnh: NAM TRẦN

Bức tranh tường panorama toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ tại bảo tàng thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng - Ảnh: NAM TRẦN

Hiện nay, mức giá đến tham quan bảo tàng đã được điều chỉnh lên 100.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, miễn giảm 50% giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng, nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, người thuộc diện chính sách xã hội.

Đặc biệt miễn phí vé tham quan cho cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tổ chức đi nghiên cứu thực tế, người dưới 18 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Ẩn mình giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn (xã Mường Phăng, Điện Biên), Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là địa điểm bạn nên ghé thăm khi đến với Điện Biên.

Từ ngày 31-1-1954 đến ngày 15-5-1954, đây là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch được bảo đảm an toàn và tuyệt đối. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy chiến dịch của ta làm việc và nghỉ ngơi.

Sau 70 năm, Mường Phăng đã đổi thay, đường sá khang trang, to đẹp hơn, đặc biệt hai bên đường trang trí nhiều cờ hoa rực rỡ để chờ đón sự kiện trọng đại của đất nước.

Bạn trẻ tham quan Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, khám phá cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: NAM TRẦN

Bạn trẻ tham quan Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, khám phá cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: NAM TRẦN

Đèo Pha Đin

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là tuyến đường giao thông huyết mạch bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt nhằm ngăn chặn quân và dân ta vận chuyển vũ khí, đạn được, lương thực chi viện cho bộ đội.

Đèo Pha Đin nối liền hai tỉnh Điện Biên - Sơn La với độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Theo tiếng Thái, con đèo này còn có tên là "Phạ Đin", là nơi trời và đất gặp nhau.

Đèo Pha Đin huyền thoại này còn được "dân phượt" gọi với cái tên mỹ miều là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của vùng Tây Bắc, là điểm đến hấp dẫn du khách trong dịp nghỉ lễ này.

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đèo Pha Đin là di tích lịch sử quốc gia.

Cực Tây A Pa Chải

Cực Tây A Pa Chải là địa điểm hấp dẫn với các bạn trẻ trong dịp này - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cực Tây A Pa Chải là địa điểm hấp dẫn với các bạn trẻ trong dịp này - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đến với Điện Biên, không thể không đến với cực Tây thiêng liêng của Tổ quốc. A Pa Chải - mốc giao điểm đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là địa điểm đặc biệt bởi "một con gà gáy ba nước cùng nghe".

Từ trung tâm thành phố đến A Pa Chải chừng 250km. Trước kia đường lên cực Tây vô cùng gian nan, nhưng nay đã được trải nhựa thẳng tắp.

Dù đường đi khó khăn nhưng càng khó càng đem lại cho du khách cảm giác chinh phục và đặc biệt mãn nhãn với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với trùng điệp núi đồi và những cây rừng cổ thụ xanh mát.

Cánh đồng Mường Thanh

Cánh đồng Mường Thanh hôm nay - Ảnh: NAM TRẦN

Cánh đồng Mường Thanh hôm nay - Ảnh: NAM TRẦN

Đến thăm Điện Biên mùa này, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của cánh đồng Mường Thanh rộng lớn đang mùa trổ đòng.

Nhiều thiếu nữ đã lựa chọn đến đây để "check-in" với vựa lúa ngút ngàn nức tiếng cả một vùng Tây Bắc hệt như một tấm thảm dệt từ sắc xanh của lúa, tạo nên những bức hình tuyệt đẹp.

Hồ Pá Khoang

Sau khi thăm thú các "địa chỉ đỏ", di tích lịch sử ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, du khách có thể tìm về hồ Pá Khoang để khám phá "vịnh Hạ Long" của Tây Bắc.

Cách thành phố khoảng 20km, hồ Pá Khoang (thuộc xã Pá Khoang) là điểm đến lý thú giúp du khách "giải nhiệt" trong cái nắng của "lòng chảo" Điện Biên.

Du khách có thể đi bộ xuyên rừng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên nơi đây và thăm thú các bản làng người Thái lâu đời tại Pá Khoang.

Cao nguyên Tủa Chùa

Người Mông trên cao nguyên đá Tủa Chùa - Ảnh: ĐẶNG TIẾN ĐÔNG

Người Mông trên cao nguyên đá Tủa Chùa - Ảnh: ĐẶNG TIẾN ĐÔNG

Được ví như "Đồng Văn thu nhỏ", cao nguyên Tủa Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 130km mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của vùng cao nguyên với trùng trùng lớp lớp đá tai mèo.

Từ bao đời nay, đồng bào người Mông sinh sống ở Tủa Chùa đã sống chung với đá núi, có kỹ thuật canh tác độc đáo nơi hốc đá và canh tác lúa nước ở vùng thung lũng.

Khám phá Tủa Chùa, du khách có cơ hội được chìm đắm trong cảnh sắc của núi đá, sinh hoạt cùng với người dân bản địa để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực địa phương.

Từ trung tâm Hà Nội, du khách có thể lựa chọn phương tiện xe khách để đến với Điện Biên với quãng đường hơn 500km, hoặc đi máy bay để tiết kiệm thời gian.

Từ TP.HCM, bạn có thể đi máy bay để bắt đầu hành trình nghỉ lễ ở Điện Biên.

Hiện nay, các địa điểm lưu trú, khách sạn tập trung nhiều ở thành phố Điện Biên Phủ. Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn huy động hơn 100 nhà dân đủ điều kiện đăng ký dịch vụ lưu trú, bổ sung thêm gần 2.000 chỗ ở để phục vụ du khách trong dịp cao điểm.

(Nguồn: tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Về Điện Biên dịp lễ 30-4 và 1-5 trong không khí đại lễ hào hùng

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3