top-banner-2

Thứ ba, 30/07/2024, 17:14 GMT+7

Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển

Việc làm mới các sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm riêng biệt, độc đáo cùng với đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng sức hút cho du lịch nội địa.

Đổi mới sản phẩm để tăng sức cạnh tranh

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng Cục du lịch - Nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), nhu cầu du lịch của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giá cả, khoảng cách, sản phẩm, điểm đến… Đối với vấn đề giá cả, trong bối cảnh giá vé may bay vẫn ở mức cao như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới nhu cầu du lịch của người dân. Việc bỏ chi phí quá cao cho di chuyển dễ khiến du khách ngần ngại khi đi du lịch xa.

lam-moi-san-pham-day-manh-lien-ket-de-phat-trien

Đổi mới sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho du lịch nội địa - Ảnh: Cao đẳng du lịch SG

Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, tại những trung tâm lớn của thị trường du lịch nội địa như Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác, thay vì hướng du khách đi du lịch xa bằng máy bay thì các cơ quan, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hướng vào những điểm đến ở ngay gần các trung tâm lớn đó.

"Chẳng hạn trong mùa du lịch hè, khách du lịch ở miền Bắc thay vì hướng tới du lịch biển ở Phú Quốc hay các bãi biển Nam Trung Bộ phải di chuyển bằng máy bay với chi phí đắt đỏ thì có thể kích cầu, quảng bá các điểm đến nội vùng như ở Quảng Ninh, Hải Phòng hoặc Thanh Hóa, Nghệ An…", PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Tuy nhiên, để có thể thu hút khách du lịch ở gần thì điều quan trọng là các sản phẩm tại các điểm đến này cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, phải thiết kế các loại hình mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó, các phương tiện vận chuyển thay thế như tàu hỏa, ô tô cũng phải có sự phát triển về dịch vụ và chất lượng, đảm bảo an toàn để du khách lựa chọn di chuyển bằng các loại hình này.

Ngoài ra, việc liên kết các điểm đến là rất quan trọng để tăng sức hút cho du lịch nội địa. Khi các địa phương có sự liên kết, sẽ hạn chế được sự trùng lặp sản phẩm, phát huy lợi thế của mỗi điểm đến và làm cho sức hút của các điểm đến tăng lên.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 3: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch - Ảnh: Quang Vinh

Liên kết để tăng giá trị

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi. Rất nhiều khách du lịch thích đi theo nhóm nhỏ, đi đến các nơi vùng sâu vùng xa, tìm kiếm sự yên bình để trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa.

Đây là cơ hội cho những địa phương nhìn nhận các giá trị văn hóa và hoàn thiện sản phẩm du lịch của mình để thu hút khách du lịch.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, trước đây mô hình du lịch cộng đồng từng phát triển khá mạnh ở khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, sự phát triển này lại mang tính tự phát, không có sự định hướng, liên kết. Điều này dẫn đến việc trong một thời gian dài, các sản phẩm du lịch ở các địa phương bị "đồng bộ hóa", tạo ra các sản phẩm du lịch gần giống nhau.

"Họ hiểu cứ ở homestay, ăn cơm lam, gà nướng, xôi ngũ sắc… là du lịch cộng đồng, địa phương nào cũng có các sản phẩm du lịch tương tự nhau, ít nhiều đã làm mất giá trị thực sự của du lịch cộng đồng", ông Phạm Hải Quỳnh nói.

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, các địa phương đã cố gắng hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, đưa những sản phẩm có chất lượng đến với khách du lịch. Các địa phương đã hướng tới việc lấy văn hóa bản địa làm chìa khóa để phát triển sản phẩm du lịch.

"Nhiều nơi đã có cái nhìn sâu sắc hơn, có những phân tích về sự lựa chọn điểm đến của du khách. Khi xây dựng các sản phẩm du lịch thì giá trị văn hóa bản địa đã được đặt lên hàng đầu. Việc khai thác giá trị văn hóa bản địa đó kết hợp với sinh kế tại từng địa phương để tạo ra các sản phẩm khác biệt, gắn với thiên nhiên địa phương đó.

Chính vì vậy, mỗi sản phẩm du lịch thời điểm này đã bắt đầu có sự khác biệt. Trong giai đoạn du lịch phục hồi như hiện nay, đây sẽ là động lực để các địa phương phát triển sâu hơn, tạo sự khác biệt từng điểm đến", ông Phạm Hải Quỳnh cho biết.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 3: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển - Ảnh 3.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam.

Về liên kết các điểm đến để tăng sức hút cho du lịch nội địa, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa liên kết các điểm đến, việc quan trọng nhất là phải có sự song hành của các đơn vị lữ hành ở mỗi địa phương.

Thay vì mỗi doanh nghiệp lữ hành tự đi khảo sát, tìm kiếm các sản phẩm du lịch để chia sẻ với khách hàng thì các doanh nghiệp cần kết nối để chia sẻ thông tin với nhau.

"Các đơn vị lữ hành ở mỗi địa phương sẽ là đơn vị "cầm cái" để chia sẻ sản phẩm của mình với địa phương khác. Chỉ có doanh nghiệp tại địa phương mới biết được ở địa phương mình có sản phẩm, dịch vụ gì mới, có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng để chia sẻ với các đơn vị bên ngoài và từ đó kết nối các sản phẩm du lịch", ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá trên nhiều nền tảng

Ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, để đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, hoàn thành mục tiêu phục vụ 110 triệu lượt du khách trong năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với đó là các lễ hội ẩm thực, các cuộc thi, chương trình xúc tiến du lịch tại Điện Biên và khu vực Tây Bắc.

Cục Du lịch Quốc gia cũng sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến trên các nền tảng internet. Nhất là các hoạt động trong cao điểm du lịch cuối năm.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 3: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển - Ảnh 4.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trên nhiều nền tảng - Ảnh: Cao đẳng du lịch SG

Cùng với đó tăng cường giới thiệu các sản phẩm du lịch mới trên qua các nền tảng truyền thống để khách hàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, thông qua đó, tăng nhu cầu của khách hàng với các điểm đến.

"Các địa phương hiện nay cũng rất tích cực phối hợp để giới thiệu các sản phẩm dịch vụ cho 6 tháng cuối năm. Hy vọng cùng với những nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ hiện tại, sẽ tạo ra sức hút đối với khách du lịch nội địa", ông Nguyễn Quý Phương nói.

Đối với các sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch xanh, Cục Du lịch Quốc gia mong muốn du lịch cộng đồng sẽ tiếp tục phát triển trên nền tảng mới, tăng trải nghiệm khách du lịch nhưng đồng thời cũng tăng hiệu quả kinh tế cho cộng đồng cư dân địa phương và các doanh nghiệp tại điểm đến.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3