Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp, du khách Ấn Độ |
Với việc thông qua tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ đã mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Du khách Ấn Độ đi thuyền trên dòng sông Venice tại khu Grand World (Phú Quốc) - Ảnh: T.T.D. Cùng với lễ đón trang trọng diễn ra tại Phủ tổng thống, hội đàm giữa hai thủ tướng Việt Nam - Ấn Độ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tại họp báo do hai thủ tướng đồng chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đó là sự hợp tác tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn, trong đó tăng cường trao đổi và tiếp xúc thường niên giữa hai nước, đẩy mạnh toàn diện 11 lĩnh vực hợp tác. Việt Nam là đối tác quan trọng của chiến lược Hành động phương Đông Hợp tác quốc phòng - an ninh rộng mở hơn, sâu sắc hơn; tầm nhìn, hành động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, hướng tới tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều trong 3 - 5 năm tới; hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực mạnh mẽ hơn. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, năng lượng nguyên tử, đất hiếm, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...; hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn; tăng cường kết nối về văn hóa, văn minh, lịch sử, tôn giáo giữa hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá: "Việt Nam là đối tác quan trọng của chiến lược Hành động phương Đông. Việt Nam và Ấn Độ có chung tầm nhìn, ủng hộ chủ nghĩa phát triển, không phải chủ nghĩa bành trướng. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra một chương mới cho mối quan hệ hai bên". Ông Modi cũng thông tin chi tiết về phương hướng hợp tác trong tương lai. Đó là việc thông qua gói tín dụng 300 triệu USD về hợp tác hàng hải, tăng cường hợp tác về chống khủng bố và an ninh mạng. Ngân hàng trung ương hai nước kết nối về thanh toán điện tử. Tập trung vào các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, nhất trí tận dụng thế mạnh của nhau để nỗ lực kết nối doanh nghiệp hai nước... Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Hằng Nga - chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đánh giá chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra vào thời điểm tuyệt vời để tạo nên một cú hích cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Bởi lẽ Ấn Độ vừa trải qua cuộc tổng tuyển cử, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi bước vào nhiệm kỳ thứ 3. Theo bà Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị lãnh đạo đầu tiên của ASEAN được mời đến Ấn Độ kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 của mình, thể hiện sự coi trọng của Ấn Độ dành cho Việt Nam trong chính sách đối ngoại. "Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư sẽ càng được thúc đẩy thông qua các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ", bà Nga đánh giá. Ông Indronil Sengupta, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham), cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo ra nhiều kỳ vọng trong việc tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ. "Chúng tôi mong chờ một số cam kết nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý và giảm bớt những trở ngại, giúp doanh nghiệp hoạt động và đầu tư dễ dàng hơn", ông Sengupta nói. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Ấn Độ - Ảnh: VGP Vẫn cần tháo gỡ những rào cản Theo ông Sengupta, du lịch đang sẵn sàng trở thành một ngành quan trọng khi 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 231.000 du khách Ấn Độ, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt một số tỉ phú Ấn Độ đã chọn những địa điểm có danh lam thắng cảnh của Việt Nam để tổ chức đám cưới, góp phần thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chủ tịch InCham cho rằng để tận dụng các cơ hội này cần giải quyết một số thách thức như việc tiếp cận thông tin thị trường, thông tin chính sách, giải quyết các quy định còn phức tạp trong đầu tư, các vấn đề pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực... Ông Phạm Sanh Châu, tổng giám đốc Công ty sản xuất và kinh doanh xe điện VinFast Ấn Độ, cho biết VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy tại Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua, dự kiến đưa nhà máy đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2025. Do đó ông Châu bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng sẽ tạo xung lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Để hưởng lợi từ các ưu đãi dài hạn của Chính phủ Ấn Độ cho xe điện, ông Châu khẳng định sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà máy với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm nhằm thúc đẩy di chuyển xanh tại Ấn Độ và đóng góp một phần vào nỗ lực phổ cập di chuyển điện hóa của Chính phủ Ấn Độ. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay Việt Nam và Ấn Độ đều có nhu cầu cao đối với hàng hóa của mỗi bên. Việt Nam có thể cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại hàng hóa đa dạng, từ nông thủy sản, gia vị phục vụ tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thiết bị điện tử, đến các sản phẩm tiêu dùng, đồ thủ công mỹ nghệ... "Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; khoáng sản...", vị này nói. Mời gọi các tỉ phú công nghệ Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam - Ấn Độ đã thông qua tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó hai thủ tướng nhất trí triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều tăng gấp đôi vào năm 2030... Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ xem xét đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam về cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, sớm ký hiệp định về thương mại điện tử, hiệp định thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới. Đặc biệt Thủ tướng khuyến khích các tập đoàn lớn, tỉ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo cũng đề nghị mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin ở mỗi nước, sớm tiến tới thành lập diễn đàn đối tác số và ký hiệp định đối tác số… Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang được khẩn trương thi công, xây dựng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG * Ông Bùi Đức Lợi (giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng): Tín hiệu vui đối với Đà Nẵng Việc Tập đoàn Adani của Ấn Độ bày tỏ mong muốn đầu tư hơn 2 tỉ USD xây trọn gói cảng thông minh Liên Chiểu là tín hiệu vui của Đà Nẵng, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép Đà Nẵng làm khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu. Theo tôi, với tiềm lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư này sẽ đảm bảo được tiến độ và tăng tỉ lệ thành công của dự án, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Sự quan tâm của nhà đầu tư này cho thấy sức hút ngày càng lớn của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên quỹ đất tại Đà Nẵng không còn nhiều, nên tôi mong các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đúng tinh thần "nói là làm" mà Thủ tướng chia sẻ và cũng mong đây là dự án "cảng thông minh" đúng như cam kết của nhà đầu tư. Trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng mạnh Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD của năm 2000 lên trên 14,36 tỉ USD trong năm 2023, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 7,18 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ ước đạt 4,37 tỉ USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hóa chất, cà phê...Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều nhất là sắt thép các loại, dược phẩm... Đề nghị tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các gói tín dụng ưu đãi Chiều 1-8 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu. Tại buổi hội kiến, Tổng thống Droupadi Murmu nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Tổng thống Droupadi Murmu đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là việc hai bên thông qua tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở "Năm hơn". Tổng thống tin tưởng những văn kiện ký kết nhân dịp này sẽ được hai bên tích cực triển khai. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Tổng thống tiếp tục quan tâm, ủng hộ cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt là hợp tác về quốc phòng, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các gói tín dụng ưu đãi...; khuyến khích triển khai các biện pháp nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi thương mại, đầu tư, du lịch hai chiều... Khách Ấn Độ ngày càng thích du lịch Việt Nam Du khách Ấn Độ đến TP.HCM theo chương trình MICE (hội nghị kết hợp du lịch) - Ảnh: T.T.D. Ấn Độ không chỉ là thị trường gửi khách có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam mà du khách Ấn Độ cũng rất chịu chi, có độ dài lưu trú lâu hơn so với nhiều thị trường khác. Đặc biệt gần đây, số khách du lịch hạng sang, tỉ phú Ấn Độ muốn tìm kiếm các trải nghiệm mới lạ vào những dịp đặc biệt như tổ chức đám cưới, kỷ niệm ngày cưới, tuần trăng mật... đã chọn Việt Nam ngày càng tăng. Theo đại diện khách sạn Danang Marriott Resort & Spa, lượng khách Ấn đến lưu trú trung bình 2 - 3 đêm/người, chi tiêu khá tốt, nhất là nhóm khách doanh nhân. Hồi đầu năm 2024, khu nghỉ dưỡng này đã được một cặp đôi Ấn Độ chọn làm nơi diễn ra đám cưới với quy mô 250 khách, kéo dài trong nhiều ngày cùng nhiều nghi lễ trang trọng và hoành tráng. Năm 2023, Việt Nam đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm 2024, dòng khách Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng 27%, đạt 272.000 khách, nằm trong top 10 những thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Hình ảnh du khách Ấn Độ đi cùng gia đình nhiều thế hệ, nhóm bạn trên khắp các điểm du lịch nổi tiếng như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang... trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Ngay tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), các tiểu thương cũng quen với cung cách mua sắm của du khách Ấn Độ. Tiểu thương sạp Tài Đức cho biết khách đến mua sắm, tham quan và... trả giá. "Khách Ấn thường mua nhiều cà phê, hạt điều, hạt mắc ca... Ngoài ra họ sắm quà lưu niệm cũng khá nhiều. Du khách từ thị trường này cũng thường mua theo truyền miệng, nghĩa là nếu mua thấy ngon, giá tốt sẽ giới thiệu bạn bè đến mua và mua nhiều hơn", tiểu thương này cho hay. Các khách sạn lớn 4 - 5 sao ở TP.HCM cũng đang chuyển mình để đón làn sóng du khách Ấn Độ. Theo đại diện khách sạn Kim Đô - Royal Hotel Saigon, du khách Ấn Độ luôn yêu cầu được phục vụ ẩm thực Ấn Độ nên việc có sẵn những món ăn Ấn trong thực đơn hay khu ăn uống riêng biệt với đồ ăn được chế biến theo chuẩn Halal khiến du khách Ấn rất hài lòng. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, Phú Quốc đón 17.679 lượt du khách Ấn Độ. Trong năm 2023, Phú Quốc đón 32.772 lượt khách Ấn Độ. Bà Quảng Xuân Lụa, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết những năm gần đây, Phú Quốc đã trở thành một điểm đến được nhiều du khách Ấn Độ lựa chọn, đặc biệt các cặp đôi tỉ phú người Ấn Độ cũng đến đảo Phú Quốc tổ chức đám cưới. "Đây chính là điểm nhấn đặc biệt mà Kiên Giang đang hướng tới để xây dựng Phú Quốc trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn khi đón nhiều tỉ phú Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga... đến tổ chức sự kiện", bà Lụa nói. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|