'Everest' - Hành trình cảm xúc khi chinh phục nóc nhà thế giới |
Chân thật, đầy xúc cảm và khốc liệt là những gì mà bộ phim Everest của đạo diễn người Iceland Baltasar Kormákur chuyển tải được đến người xem Được đạo diễn bởi Baltasar Kormákur, bộ phim kể về một sự kiện có thật xảy ra năm 1996 khi trận bão tuyết dữ dội trên “nóc nhà của thế giới” đã cướp đi tính mạng của tám nhà leo núi trong một đoàn thám hiểm. Là một trong những bộ phim được trông đợi nhất trong mùa thu đông, “Everest” sở hữu nhiều diễn viên tên tuổi như: Jason Clarke, Josh Brolin, Jake Gyllenhaal, Keira Knightley, Sam Worthington, Robin Wright, Emily Watson…
Câu chuyện bắt đầu khi hai nhóm trưởng Rob Hall và Scott Fisher dẫn đoàn của mình leo núi chinh phục đỉnh Everest. Tuy nhiên, khó khăn đến với họ không chỉ có những vấn đề mà các nhà leo núi khác thường gặp như thời tiết, thực phẩm, địa hình, người cùng đoàn… Những nhân vật này đã phải đối chọi lại cơn bão dữ dội không chỉ để chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới mà còn để sống sót trở về.
Được biết, khi quyết định làm “Everest“, đạo diễn Baltasar Kormákur đã phải dành nhiều năm trời để ngược dòng thời gian, tìm những tư liệu và con người có thật với mong muốn tạo ra một bộ phim thật nhất có thể. Những ngọn núi phủ kín bởi tuyết, những vực sâu thăm thẳm, gió bão lạnh lùng và tàn nhẫn…Tất cả như khiến khán giả tận mắt chứng kiến khoảng thời gian có thật ấy, khi con người chỉ là một hạt cát giữa biển khơi, hoàn toàn yếu thế trước thiên nhiên khắc nghiệt. Hình ảnh khắc nghiệt với không gian tuyết trắng trong phim. Ngoài ra, “Everest“ được xây dựng khá thực tế. Đây không phải là một bộ phim siêu anh hùng, nơi những cá nhân vượt lên nghịch cảnh để cứu giúp nhân loại. “Everest“ là một cuộc chiến tranh sinh tồn, khi mà sự ích kỷ có thể lên ngôi trong gian khó. Có những người buộc phải bỏ lại để giữ lại tính mạng cho những người khác. Các khó khăn như thiếu oxy, nhiệt độ, thức ăn, leo núi… cũng đều được mô tả hết sức thực tế.
Có một sự thật mà ai cũng đánh giá cao ở bộ phim là những diễn viên đã thực sự phải leo núi để quay phim chứ không ở phim trường “chăn ấm nệm êm”. Dưới những cơn gió lạnh, bị những đỉnh núi đe dọa, dàn diễn viên đã phải chịu bao khổ cực để làm nên sự chân thực cho khán giả. Bởi vậy, tính thực tế là một điểm không thể bị chê trách trong phim. “Everest“ cũng được đánh giá rất cao ở mặt kỹ thuật. Nhà báo Ed Douglas trên trang Comingsoon.net đã nhận xét: “Khung cảnh hùng vĩ của dãy Himalaya trở nên rất sống động nhờ công nghệ IMAX, còn hiệu ứng 3D thật hiệu quả khi lột tả chiều sâu những phân cảnh các nhà thám hiểm chênh vênh giữa núi”. Trong khi đó thì tờ Daily Mail cũng cho rằng “Chỉ riêng phần hình ảnh thôi đã thật tuyệt vời. Đạo diễn đã làm rất tốt”. Những góc quay chất với công nghệ hiện đại đã làm nên một bộ phim xứng đáng đề cử giải Oscar cho hạng mục quay phim, hiệu ứng hình ảnh. Tuy nhiên, “Everest“ cũng có vấn đề nhất định về nhân vật. Khi được hỏi tại sao lại leo lên đỉnh Everest, dường như các nhân vật chỉ có cùng một câu trả lời “Vì nó ở đó.” Cũng đã có vài biểu hiện đặc biệt của những cá nhân như Rob Hall, Jan Hall, Beck Weathers, Helen Wilton… nhưng chưa đủ để xóa đi sự mờ nhạt của các nhân vật, khiến câu chuyện của mỗi người chìm vào trong tuyết trắng. Có lẽ quá nhiều nhân vật cũng là một nguyên nhân tạo nên vấn đề này. Dù vậy, dàn diễn viên tên tuổi đã diễn xuất khá tốt. Tóm lại, “Everest“ là một bộ phim khiến bạn có thể trầm trồ kinh ngạc về đồ họa, cũng như ngồi trên vực với những tình tiết kịch tính nhưng nó vẫn chưa leo được lên đỉnh núi như tiềm năng vốn có. Everest là bộ phim mà khán giả khó có thể bỏ qua trong đầu mùa thu này. Khi mà nên điện ảnh Hollywood sắp bắt đầu vào giai đoạn “nghệ thuật’ với những tác phẩm hàn lâm đang liên tiếp xếp hàng ra rạp thì Everest là một sự giao thoa khá thú vị giữa chất giải trí và tính chuyên môn. Cả báo chí, nhà phê bình lẫn những người xem bình dân đều sẽ yêu thích Everest. Theo depplus.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|