Đi đến cùng một lời hứa |
Vốn được biết đến trong lĩnh vực bất động sản, giờ đây ông Vũ Duy Bổng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản An Thịnh Hòa Bình lại quyết định mở mang sang lĩnh vực du lịch. Một cuộc tháo lui hay một bước rẽ đón đầu cơ hội? Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, vị chủ tịch của An Thịnh Hòa Bình vẫn giữ nụ cười điềm tĩnh rất “ông Bổng”. Vẫn tự tin với những dự định kinh doanh “ngốn” vốn… Hỏi ông - dựa vào đâu để vượt được cơn khốn khó của thị trường bất động sản? Ông chỉ ngay vào chữ “thật” trong nhan đề bài viết Chơi với Nhật thì phải thật (báo Doanh Nhân số 139 ra ngày 3/9/2013), một cách tâm đắc. Ông Bổng nói, đó là giá trị lớn nhất ông học hỏi được từ người Nhật. Một chữ “Thật” “Tôi vẫn tâm sự với cán bộ nhân viên trong công ty, bây giờ phải làm thật mới mong được ăn thật. Nếu muốn không bị đào thải thì không thể giữ mãi tư duy ngắn hạn, chỉ chạy theo cái lợi trước mắt được nữa”, ông Bổng nói. * Ông quan niệm thế nào "Thật: trong kinh doanh? - Từ hơn 10 năm trước, khi bắt đầu triển khai kinh doanh bất động sản, cụ thể là vào dự án Khu công nghiệp Lương Sơn, tôi đã nhận thức được rõ ràng, muốn thành công phải theo đuổi những giá trị bền vững được kiến tạo nên từ những yếu tố thật. Đó là tạo dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp cao, công ty phát triển theo định hướng đúng đắn dựa vào năng lực của mình, đầu tư dài hạn trên cơ sở nền tảng văn hóa bền vững và thực thi trách nhiệm xã hội (CSR) với cộng đồng. Về điểm này, tôi tìm thấy sự tương đồng với cách thức làm việc của người Nhật: rất nghiêm khắc. Với họ đã nói được là phải làm được. * Khi thị trường bất động sản phát triển quá nóng, chủ doanh nghiệp khó mà giữ cái đầu lạnh. Ở thời điểm ấy, ông có từng bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận? - Chủ trương khả năng tài chính của công ty đến đâu làm đến đó, không vay vốn ngân hàng, có thể khiến An Thịnh không gặt hái những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng thực chất lại giúp công ty hạn chế được tối đa sự đổ vỡ mà thị trường giai đoạn khủng hoảng buộc phải ghi nhận. * Với dự án Khu đô thị Cảng Chân Dê tại TP Hòa Bình, liệu ông phải tính đến thu hẹp lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí là cắt lỗ? - Tôi không vay ngân hàng nên không chịu sức ép về tài chính đến mức phải bán tháo cắt lỗ. Tôi giữ giá và cũng không e ngại mặt bằng giá mới thấp đi bởi tôi đủ tự tin về những giá trị thật mà công ty có thể cung ứng cho thị trường. Khu đô thị này có vị trí đắc địa, nằm ngay bên sông Đà, cảnh quan đẹp, có đường dẫn từ Đại lộ Thăng Long vào thẳng nên chỉ mất 1h di chuyển từ Hà Nội về đây. Thêm nữa, theo Nghị định 69, chi phí giải phóng mặt bằng của các dự án mới tăng lên từ 3-5 lần đi kèm với nhiều quy định cao hơn về chế độ chính sách cho người dân phải di dời, doanh nghiệp sẽ không dễ để có quỹ đất sạch... Trong khi đó, Khu đô thị Cảng Chân Dê đã giải phóng mặt bằng xong xuôi và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Dự kiến, chỉ một năm nữa thôi, khi thị trường dần ấm trở lại, đây sẽ là một điểm thu hút khách hàng, đặc biệt những người tìm kiếm mô hình “ngôi nhà thứ hai”. Một chữ "Tín" Ông Vũ Duy Bổng có lẽ là một trong số không nhiều doanh nhân chịu khó đi đăng đàn kêu gọi đầu tư nhất. Ông chủ động liên hệ với các bộ, ngành nhằm giới thiệu tiềm năng Khu công nghiệp Lương Sơn. Ông cũng không ngại tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ông chung sức cùng sở, ngành của tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Không ít lần ông chuyển bại thành thắng, khi đích thân đến tận nơi "thuyết khách" nhà đầu tư ngoại và giành được không chỉ hợp đồng mà cả sự tôn trọng của đối tác. Bí quyết của ông đơn giản là nhấn mạnh những gì Khu công nghiệp Lương Sơn có thể mang lại cho họ. Và chứng minh bằng những câu chuyện thực tế - tất cả xoay quanh chữ "Tín" như dấu ấn riêng của doanh nghiệp. * Trực tiếp đi xúc tiến đầu tư, điều gì khiến ông tâm đắc nhất? - Rõ ràng xét về độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, chúng ta đứng sau Thái Lan, Indonesia, nhưng điểm nhấn quan trọng chính là Việt Nam có môi trường ổn định chính trị, độ an toàn cao nhất cho nhà đầu tư. Muốn xúc tiến đầu tư, trước hết phải xác định được điểm lợi thế của mình là gì và xoáy sâu vào đó. Ví dụ với Khu công nghiệp Lương Sơn, chúng tôi tự hào có được chính sách hỗ trợ tối ưu cho nhà đầu tư. * Nhà đầu tư nước ngoài hiện chú trọng điều gì khi lựa chọn địa điểm đầu tư, thưa ông? - Đã qua giai đoạn hút nhà đầu tư bằng việc chạy đua giảm thuế, giảm phí... Vậy nên, An Thịnh Hòa Bình cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào đây như được hỗ trợ giải quyết nhanh chóng thủ tục pháp lý bao gồm: tư vấn thành lập doanh nghiệp, các thủ tục xin cấp phép đầu tư, dịch vụ tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho hàng, dịch vụ bảo hiểm, thủ tục hải quan xuất nhập khẩu... Điều đặc biệt, chúng tôi phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cùng 32 cơ sở đào tạo nghề trên toàn tỉnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các nhà đầu tư, ước tính hàng năm có thể cung cấp 15.000 đến 16.500 lao động. Chúng tôi cũng kiến tạo nên khu công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường bền vững... Chính những điểm này đã gia tăng giá trị cho An Thịnh Hòa Bình trong mắt nhà đầu tư. * Có khi nào ông tính chuyện rút chân khỏi lĩnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để chuyển hướng đầu tư? - Tôi bắt đầu ngày mới từ 5h sáng, ăn sáng xong là lên xe đi về Hòa Bình. Tôi say mê âm thanh cuộc sống tỏa ra từ tiếng máy móc vận hành tại khu công nghiệp. Bởi tôi nhìn thấy những giá trị hữu hình mà công ty đã tạo dựng được. Tôi biết kinh tế thế giới còn đang khó khăn, thu hút đầu tư nước ngoài chưa thể phát triển mạnh mẽ trong ngắn hạn, nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư thêm một số dự án trọng điểm tại tỉnh như xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Lương Sơn giai đoạn II, đầu tư dự án nhà ở công nhân kết hợp nhà ở thương mại, dự án xây dựng nhà xưởng cho công nghiệp phụ trợ... Đó là tôi tính chuyện đường dài để thực hiện mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị... Bạn thấy đấy, tôi đâu có ý định thoái lui (cười)! Và đam mê đến cùng Quê gốc Hà Nam, sinh sống ở Hà Nội, nhưng đối với ông Vũ Duy Bổng, miền đất gắn kết từ tâm linh và máu thịt lại chính là Hòa Bình, nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Mường, là cái nôi của người Việt cổ. Ở vào độ tuổi người ta muốn rút về vui thú điền viên thì một lần nữa, ông lại hào hứng cho một sự khởi đầu mới. Ông bảo mình không dừng lại được vì một sự thôi thúc tự tâm, muốn làm được điều gì đó để thổi hơi thở đương đại vào văn hóa Mường đang phai nhạt dần theo thời gian. Muốn giúp người dân tộc ở đây sống được từ chính vốn văn hóa và tài nguyên của đất trời xứ này... * Vì sao lại lựa chọn đầu tư vào du lịch, thưa ông? - Tôi say mê văn hóa Mường đã từ lâu. Với góc nhìn của doanh nhân, tôi không chỉ tìm thấy giá trị văn hóa mà còn nhận thấy cơ hội kinh doanh, cơ hội thay đổi cách thức làm du lịch và nâng cao đời sống cho bà con ở đây. An Thịnh đang đầu tư dự án khách sạn 5 sao tại phường Tân Thịnh trên diện tích 15.000 m2, vốn đầu tư 15 triệu USD, dự kiến sẽ vận hành khai thác vào năm 2016. Lợi thế về địa thế chưa đủ, chúng tôi muốn tạo dựng nơi đây trở thành điểm đến cho nhu cầu nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa, vùng đất Hòa Bình. An Thịnh cũng đang thương thuyết M&A một công ty cổ phần du lịch có thương hiệu từ năm 1961 của tỉnh để hoàn chỉnh chuỗi kinh doanh du lịch - từ điểm nghỉ dưỡng đến tổ chức tour cho khách. Hòa Bình là vùng đất linh thiêng, cái nôi của văn hóa Việt cổ và là cửa ngõ của Tây Bắc, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ thấy, khối lượng công việc lớn thế nào, triển vọng đầu tư ra sao.
* Quả thật, tôi vốn nghĩ kinh doanh bất động sản và du lịch hoàn toàn khác biệt. Lúc này bắt đầu cho một cuộc dấn thân mới liệu có thích hợp? - Quả là hai lĩnh vực kinh doanh có khác nhau. Nhưng nền tảng vẫn dựa vào hai yếu tố "Thật" và "Tín" cộng với sự đam mê đến cùng, tôi tin An Thịnh Hòa Bình hoàn toàn có thể nói được làm được. Làm du lịch chụp giật có tiền ngay, nhưng không bền. Tôi sẽ vẫn bắt đầu từ những yếu tố cơ bản nhất - con người và chiến lược đúng đắn. Vì sao Hòa Bình chưa phát triển được du lịch xứng với tiềm năng, chưa giữ chân được khách lưu trú...? Bởi vì thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu sự kết nối giữa các ngành, giữa các tỉnh, thậm chí chưa chú trọng đến xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước... Những khuyết điểm ấy mà được "lấp" đúng, chắc rằng cơ hội thành công không nhỏ. Chúng tôi đang gây dựng, truyền lửa cho đội ngũ của mình. Tất cả mới bắt đầu nhưng lộ trình đã được vạch rõ. LƯU HƯƠNG/DOANH NHÂN Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|