Giải Sao Mai - 'sao xẹp' và đã hết 'đất sáng'? |
Một trong những lý giải nổi bật cho sự “xuống dốc” của chương trình tìm kiếm giọng ca tài năng & triển vọng Sao Mai chính là sự “cũ kỹ” và không còn hấp dẫn đối tượng xem truyền hình trong hàng loạt chương trình giải trí thực tế hấp dẫn & đầy chiêu trò. Giải Sao Mai 2015, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, chính thức khởi động bằng vòng chung kết khu vực phía Nam diễn ra tại Nhạc viện TP HCM (từ ngày 10 đến 13-6). Đến nay, Giải Sao Mai đã đi được chặng đường 10 năm với “đầy những tự hào và cả những lo lắng”, như lời ông Việt Quang (Trưởng Ban Văn hóa - Thể thao Đài Truyền hình Việt Nam tại TP HCM) - đại diện ban tổ chức - chia sẻ. Những lo lắng mà ban tổ chức đề cập chính là sự “lép vế” của cuộc thi tuyển chọn ca sĩ chính thống này so với những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng mang tính giải trí cao đang diễn ra rầm rộ. Công chúng cũng không khó để nhận ra điều này khi những mùa Sao Mai gần đây diễn ra và kết thúc trong lặng lẽ. Vì vậy, từ chỗ chễm chệ trên sóng VTV3, mùa này Sao Mai chỉ được xếp ở sóng VTV2. Nhà tài trợ của giải vẫn chưa có. Thí sinh tham gia ngày càng ít. Dù vậy, Sao Mai vẫn cần phải giữ vì “trong rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, có lẽ đây là cuộc thi hiếm hoi tôn vinh những giọng ca dòng nhạc thính phòng và dân gian đương đại. Những người theo đuổi dòng nhạc mang tính hàn lâm cũng cần có nơi thi thố, thể hiện tài năng của mình trước công chúng” - ông Việt Quang chia sẻ. Hình ảnh tại chung kết Giải Sao Mai khu vực TP HCM. (Ảnh do BTC cung cấp) Từng là cuộc thi tìm ra những giọng ca đầy chất lượng chuyên môn để sau đó họ rất thành công trên thị trường như: Tân Nhàn, Khánh Linh, Trọng Tấn,... nên việc đóng cửa Sao Mai là điều đáng tiếc. Ông Chẩm Hồng Giang, biên tập âm nhạc của VTV, cho biết các sinh viên nhạc viện cứ mỗi 2 năm chỉ còn mong chờ sân chơi này. Vì thế, khán giả Sao Mai 2015 sẽ tiếp tục gặp lại Phạm Trung Kiên, Nguyễn Hoàng Yến, Bùi Chính Hưng… - những người quen cũ. Không khó để thấy Sao Mai quá cũ kỹ và mùa nào cũng không thấy khá hơn khi nhà đài phải tự sản xuất trong tình trạng tiết kiệm chi phí. Không có nhà tài trợ để gánh phần đầu tư sản xuất lại chẳng thể dẹp bỏ, Sao Mai tồn tại trong im ắng cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, ban tổ chức của Sao Mai 2015 vẫn chưa biết sẽ tổ chức vòng chung kết toàn quốc (dự kiến diễn ra trung tuần tháng 8) ở đâu vì chưa có địa phương nào đăng cai. Và chặng cuối nếu vẫn vắng bóng đơn vị đăng cai, Sao Mai đành về Hà Nội tổ chức ở tổng hành dinh của mình. Giải thưởng thì đúng là “hẻo” nhất vì người thắng vòng chung kết phía Nam sẽ nhận được giấy chứng nhận và vài triệu đồng mang tính... khích lệ tinh thần. Ở các khu vực khác, giải thưởng cũng sẽ không phá lệ. Đó là chưa kể “cái dở của VTV là không có cơ chế hậu thuẫn thí sinh sau mỗi cuộc thi dù đây rõ ràng là điều kiện rất hấp dẫn thí sinh để họ đăng ký tham gia”, như lời ông Việt Quang chia sẻ. Trả lời câu hỏi tại sao không cố kéo một nhà tài trợ để ít nhất có thể thay đổi cách thức tổ chức, sản xuất chương trình theo hướng làm tăng sức hấp dẫn cho người xem, đại diện ban tổ chức nói rằng: “Chúng tôi cũng muốn nhưng có nhà tài trợ cũng không ổn vì họ đều muốn chi phối sao có ích nhiều nhất cho nhãn hàng, thương hiệu của mình. Điều đó chắc chắn sẽ không còn giữ được sự trong sáng và linh hồn của chương trình”. Sao Mai đang chứng tỏ đây là cuộc thi coi trọng chuyên môn với mong muốn tìm ra những giọng ca có chất lượng cao. Nhưng Sao Mai “sống” được là thách thức lớn cho nhà tổ chức. Ngay ban tổ chức giải cũng bắt đầu “rối” trong việc tổ chức chương trình khi giao việc tuyển chọn khu vực cho các đại diện khu vực mà không phải là một ê-kíp xuyên suốt và thống nhất. Theo nld.com.vn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|