“Đằng sau những nụ cười” là tập tản văn của Khánh Ly, kể lại 55 câu chuyện trong quãng đời nhiều thăng trầm suốt 50 năm ca hát của bà. Từng đạt giải Nhì cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng khi mới 11 tuổi, cùng Trịnh Công Sơn đi trình diễn không công cho sinh viên ở quán lá sơ sài dựng trên nền gạch đổ nát, Khánh Ly dường như được sinh ra là để hát.
“Viết. Với tôi, nghĩa là ghi lại những sự việc mắt thấy tai nghe. Vui, buồn, sướng, khổ, giàu, nghèo. Tất cả đều là sự thật từ trái tim, tự đáy lòng tôi. Đó là vì trách nhiệm. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm... với tôi. Chỉ là những chuyện lẩm cẩm, nhỏ nhặt của một người đàn bà bình thường. Và tôi tránh tuyệt đối cái việc được viết của mình làm tổn hại cho người khác”, ca sĩ chia sẻ.
Khánh Ly tâm sự, từ ham mê đọc sách, bà cũng ham mê viết. Trên mỗi chuyến đi bà luôn tranh thủ viết, giữ lại những cảm xúc đang diễn ra khi đó. Khánh Ly sinh ra ở Hà Nội, rồi cùng gia đình vào Sài Gòn, Đà Lạt sinh sống. 16 tuổi, bà theo nghiệp ca hát. Chịu nỗi đau mất cha, thiếu sự gần gũi với mẹ, lầm lỡ tình yêu khi tuổi đời còn quá trẻ rồi làm mẹ đơn thân, chọn xứ người để lập thân... Cuốn sách là những tản mạn của bà về chuyện đời, chuyện mình hàng chục năm qua. Với giọng văn mượt mà, sâu lắng, đôi chỗ phảng phất như ca từ nhạc Trịnh Công Sơn người đọc thấy một tâm hồn nhạy cảm, hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Những trang văn như không phải chỉ viết cho mình, ở đó còn là tâm tư của những người cùng thế hệ, tâm tư của một người phụ nữ Việt thanh lịch.
Nói về giọng hát Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Khi nghe Khánh Ly hát, tôi luôn có cảm giác cô ấy hát không phải chỉ cho tôi mà dường như Khánh Ly hát cho chính sự oan trái của đời mình, hát cho số phận mình. Các ca sĩ sau này ít ai hỏi tôi vì sao tôi viết như thế, câu này có nghĩa gì, có lẽ sự khác biệt là ở đó”. Giọng ca Khánh Ly gắn với độc giả đã bao nhiêu năm qua, và cho đến bây giờ, vẫn còn là kỷ niệm tươi mới.
Trong tập tản văn, bà nói về người mình nợ cả đời sống, về Lý Tầm Hoan (nhân vật hiệp sĩ lãng tử trong tác phẩm của Cổ Long) của thế kỷ XX. Những chuyến đi hát, những người bạn tâm giao, những điều “vụn vặt” như hũ cà, cây ớt…, dù là gì đi nữa, đằng sau mỗi góc nhìn đều là những yêu thương rất thực với người, với đời, với quê hương.
Đặc biệt, có hai tình yêu lớn theo Khánh Ly suốt cuộc đời. Một là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từng đi cùng bà trong những ngày rất trẻ. Một là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, ngỡ chỉ là một mảnh tình “chắp vá”, nhưng đâu ngờ lại là người ở bên bà đến trọn đời. Người mà Khánh Ly “biết chiều nay anh không về, nhưng em vẫn chờ và em sẽ khóc”…
Bìa sách Đằng sau những nụ cười.
Đọc để hiểu được vì sao dù đi khắp bốn phương, nữ danh ca ấy vẫn vẹn nguyên một tấm lòng tha thiết với quê hương, vẫn khao khát “muốn được mãi mãi làm một người Việt Nam… nguyên vẹn hình hài.”
Phải có một sức lôi cuốn thế nào đó, thì người đọc mới bị dẫn dắt bởi lối viết nhẹ nhàng mà triết lý của bà: “Một hôm tôi hỏi Sơn: “Sống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?” Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: “Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn: “Một tấm lòng?”. Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. “Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi”. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gẩy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội”.
Chương trình giao lưu & phát hành diễn ra tại 4 địa điểm:
- Tại Hà Nội: Vào 16h00 – 19h00, thứ 6, ngày 12/6 tại Nhà sách Phương Nam (Tầng 4 - Lotte - số 54 Liễu Giai - P. Cống Vị, Ba Đình).
- Tại Huế: vào 16h00 – 19h00, thứ 7, ngày 13/6 tại Book cafe Làng nghề Huế (15 Lê Lợi, TP Huế)
- Tại TP Hồ Chí Minh: vào 16h00 – 19h00, Chủ Nhật ngày 14/6 tại Nhà sách Phương Nam Vincom (Tầng B2, Trung tâm Thương mại Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (46 Lý Tự Trọng), Q. 1).
- Tại Cần Thơ: vào 16h00 – 19h00, thứ 2 ngày 15/6 Nhà sách Phương Nam tại Cần Thơ (số 06 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều).
Theo nld.com.vn