Phim hay thì xem, đừng nhờ ủng hộ! |
Khán giả ngày càng khó tính, nhưng không hẹp hòi. Phim hay thì xem, đừng nhờ ủng hộ. Nhất là khi chúng ta đã hội nhập... Tôi vốn là người yêu thích phim ảnh. Đối với phim Việt mà nói, lại càng dành tình cảm đặc biệt. Mấy năm nay, hầu như phim Việt nào ra rạp tôi cũng chịu khó mua vé đi xem. Đi một mình cũng có, kêu gọi rủ rê bạn bè đi cùng ủng hộ cũng có. Đi như vậy, thứ nhất là muốn xem chất lượng phim đến đâu. Thứ hai là nghĩ bụng, thôi thì góp gió thành bão, tấm vé chẳng đáng là bao, nhưng nhiều người chịu móc hầu bao thì phim mới sống được. Nhà sản xuất bớt lỗ, nhà làm phim tử tế sẽ không bỏ cuộc vì họ biết sân nhà vẫn còn khán giả. Điện ảnh Việt Nam mới mong có ngày khấm khá hơn. Mới đây, BHD rất khéo đề cao tinh thần dân tộc khi đề dòng chữ “Cảm ơn các bạn đã ủng hộ phim Việt” khi chiếu bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Với tôi, phim này làm rất tốt và hoàn toàn xứng đáng bỏ tiền xem tại rạp. Nhưng nếu có, lời cảm ơn này lẽ ra nên xuất hiện từ lâu, chứ không phải đợi tới bây giờ. Và, đặc biệt,lời cám ơn ấy sẽ ý nghĩa hơn, nếu không xuất hiện khi bộ phim gặp những lùm xùm trong chuyện ra rạp. Ninh Dương Lan Ngọc - Hạ Vi Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân (trái) đóng vai dì ghẻ trong "Tấm Cám" Rồi, dư luận cũng nhiều lần lên tiếng kêu gọi ủng hộ trong những năm có nhiều phim Việt ra rạp. “Mua vé để ủng hộ phim Việt”, câu ấy hàm ý tương tự như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đấy là ý tốt. Nhưng, đến nay, tinh thần này đã quá cũ, lại có hơi hướng dựa dẫm và đôi khi không công bằng! Ở TP. HCM, trên đường Nguyễn Du, có quán "miến chửi" rất nổi tiếng. Chửi, nhưng khách đến ăn vẫn ùn ùn trong mấy năm nay. Thậm chí, "miến chửi" trở thành một thương hiệu bất đắc dĩ được nhớ tới, thay cho cái tên Mai Xuân Cảnh đề trên biển quán. Rõ ràng, miến ở đó ngon hơn các hàng khác, nên chửi xoành xoành thì quý vị vẫn đến ăn. Không cổ súy lối chảnh chọe chửi bới ấy, nhưng tôi lại thầm mong: các nhà làm phim Việt ít nhiều cũng có chung với quán "miến chửi" ở sự tự tin và kiêu hãnh về chất lượng sản phẩm của mình. Nghĩ như vậy, bởi vì cái từ “ủng hộ” nghe rất “xin - cho”. Phim hay sao phải nhờ ủng hộ? Còn phim dở tại sao lại mong khán giả bỏ thời gian và tiền bạc tới xem? Phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng như các phim Việt khác phải thoát khỏi tư duy “cậy nhờ” khán giả đi xem thì mình mới cạnh tranh được. Cạnh tranh mà thắng vì chất lượng sản phẩm thì mới vẻ vang, chứ làm phim đầy sạn hoặc lỏng lẻo rồi nhờ khán giả thương mến ủng hộ thì e có phần bấu víu vào sự hào phóng của họ. Mà quả thật, khán giả bây giờ cũng đã cởi mở và hào phóng với phim Việt hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Ở những thành phố lớn, xem phim xem kịch dễ dàng như đi uống một tách cà phê vậy. Phim hay, khán giả sẽ tự truyền tai nhau mà kéo đến rạp vì thực sự chúng ta cũng rất “đói” món ngon tinh thần. Đồ nhà hàng nấu ngon, đừng sợ thực khách không ăn ngấu nghiến. Khán giả ngày càng khó tính, nhưng không hẹp hòi. Vì thế, tôi nghĩ cuộc trao đổi giữa nhà sản xuất và người xem nên ở thế chủ động và sòng phẳng. Phim hay thì xem, đừng nhờ ủng hộ. Nhất là khi chúng ta đã hội nhập. Đây cũng là lòng tự tôn, tự trọng và bản lĩnh của các nhà làm phim. Đến bao giờ, thay vì kêu gọi sự ủng hộ, những người làm phim và đội ngũ truyền thông có thể tự tin viết rằng: “Đây là một phim Việt rất hay. Bạn phải xem!”? Theo Nguoidothi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|