Chữ Hiếu đừng để khi Mẹ đã mất mới trả… |
“Nói về Mẹ không thể diễn tả hết bằng lời. Anh lại càng không đủ ngôn từ để nói về chữ Hiếu giữa cuộc đời này. Nhưng anh vẫn mong muốn cuộc triển lãm này sẽ khơi gợi trong mỗi chúng ta về bổn phận làm con. Khi lớn lên, thành đạt rồi, chúng ta ai cũng mải lo kiếm tiền, chăm chút bản thân, chăm lo cho con cái mình, rồi lo cất nhà đẹp hơn, sắm xe sang hơn… mà quên nhìn qua mẹ mình mặc chiếc áo đã cũ mà vẫn lo chăm sóc cho con dù con đã lớn.”… Tâm sự ấy đến từ một… đàn anh giang hồ, với 17 năm vào tù ra tội, và kịp thức tỉnh vào đúng vào thời kỳ “vàng son” của giới giang hồ tứ chiếng – năm 1992. Doanh nhân - nhiếp ảnh gia Xuân Anh (Nguyễn Phước Thành) Anh Xuân Anh và con trai lớn hiện nay đang ở Mỹ cùng mẹ. Sinh ra đã thiếu vắng bàn tay cứng rắn của cha, Nguyễn Phước Thành sớm bị vòng xoay thời cuộc xô ngã. Gan lỳ, liều lĩnh, có một cái đầu lạnh nhưng có nghĩa khí của một người anh hùng đã giúp Thành thu phục được nhiều đàn em và nghiễm nhiên được giới giang hồ tôn xưng “Đại ca Thành “trọc” (vào rồi ra, rồi lại vào tù, mỗi lần là một lần “cạo đầu”, ở tù nhiều đến mức tóc không kịp mọc). Thời điểm ấy, giới giang hồ miền Nam không ai không biết đến và kính nể danh xưng Thành “trọc” liên tục vào tù rồi vượt ngục trở về như cơm bữa. Và quá khứ mê đắm trong những tháng ngày sa ngã, anh đã phải trả những cái giá rất đắt. “Đắt nhất” chính là ngày Mẹ mất, anh không được ở bên bà, không được đắp nắm đất lên mộ mẹ. “Chỉ một mình mẹ nuôi con khôn lớn, rồi chưa một ngày đứa con ấy báo hiếu được. Điều ấy mãi giằng xé tâm can tôi. Trong khi mẹ mang đến cho một hình hài vẹn nguyên, tình yêu dành cho con như biển hồ rộng lớn; mình lại dùng thân xác mẹ cha cho, dùng tâm hồn đáng lẽ được hun đúc bởi lời ru, bởi vòng tay, bởi tình yêu thương vô bờ bến, để làm những việc… khiến mẹ đau lòng. “ – anh ngậm ngùi với giọng nghẹn nước mắt. Anh nghẹn ngào cho kiếp mồ côi, không được báo hiếu mẹ lúc cuối đời. Lần cuối cùng ra tù, năm 1992, gạt nước mắt thương tiếc mẹ hiền, anh cắn răng xếp quá khứ sang một bên, từ chối những cám dỗ từ những đàn em cũ, theo học lớp nhiếp ảnh và tốt nghiệp loại giỏi. Cùng với việc kinh doanh nhà hàng để tạo dựng một cuộc sống kinh tế mới, anh dành nhiều thời gian cho nhiếp ảnh. Cũng không biết tự bao giờ anh đam mê đến da diết sự mộc mạc, tinh khiết của hoa sen., và anh dành nửa cuộc đời còn lại để “đặc tả” vẻ đẹp của sen. Để có những bức hình đẹp, anh phải chang nắng chang mưa, chờ từng khoảnh khắc nụ hoa nở ra từng cánh, hay khi giọt sương đêm vừa đáp trên cánh sen, hay chiếc lá non bắt đầu nhú lên những sợi tơ... Đặc biệt hơn nữa, những bức ảnh sen của anh luôn mang thông điệp về tình cha, nghĩa mẹ, tình vợ chồng, tình yêu thương giữa con người... Như anh chụp được tấm hình có một nụ sen thấp dưới cánh của một bông sen lớn, che trên 2 bông sen ấy là một tán lá rộng tươi xanh, xa xa là một chiếc lá đã khô, có hình thù như một con rắn hổ mang đang bành cổ phun nọc độc…- bức ảnh mang thông điệp: “Con ơi đừng sợ, Mẹ luôn ở bên con”. Dường như tất cả những nét đẹp bình dị, thanh khiết của sen đều trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận để anh sáng tạo, gửi vào đó cái chất nghệ sĩ của tâm hồn với những gì sắc sảo, tinh tế nhất.
Bức ảnh hoa sen mang thông điệp "Con ơi đừng sợ". Yêu thật lòng thì sẽ được đáp lại, những bức ảnh sen tuyệt vời của anh đã được mọi người nhiệt tình đón nhận. “Tôi yêu hoa sen từ hình dáng thuần hậu và sự bao dung của mẹ. Cái đạo nghĩa làm con mà tôi chưa tròn chữ hiếu tự sâu thẳm trong lòng vẫn còn day dứt trong tôi mỗi ngày, mỗi khắc. Sen là loài hoa mọc lên từ đáy bùn sâu, nhưng nó vẫn vươn lên, vươn lên không chỉ đẹp một cách dịu dàng mà còn không hôi tanh mùi bùn. Nó đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt mình, nó cũng nằm trong văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, cuộc đời tôi cũng như sen, ngoi lên từ bùn dơ. Tôi chụp và gửi vào đó những thông điệp từ cuộc đời tôi. Đó là cách sửa sai của tôi. Bây giờ, đến hơi thở cuối cùng tôi vẫn sẽ sửa sai, để báo hiếu Mẹ. Báo hiếu Mẹ không phải chỉ ngày ngày thắp hương cầu cho mẹ được siêu thoát, mà còn là chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh, giúp đỡ họ, để họ thấy rằng cuộc đời còn nhiều yêu thương, người dưng cũng có thể yêu thương, giúp đỡ ta, huống gì công ơn sinh thành của cha mẹ, và phận làm con càng phải yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Làm được những điều ấy, tôi tin rằng dưới suối vàng mẹ tôi sẽ mỉm cười hài lòng về con mình”. Có về tới tận Củ Chi mới cảm nhận được sự sẻ chia mà anh Xuân Anh đã mang đến cho những trẻ em nghèo, những mảnh đời cơ nhỡ, bằng những suất học bổng, những căn nhà tình thương, bằng sự quan tâm thăm hỏi chân tình… Mọi người chỉ nhắc đến anh với sự nghẹn ngào “Chú Thành tốt lắm”, “Chú Thành mới gửi tiền cho con đấy!”, “Chú Thành mới xây nhà cho gia đình con nè…” – họ không biết đến tên tuổi một Nhiếp ảnh gia Xuân Anh, mà chỉ gọi bằng hai tiếng trìu mến “chú Thành”, giản dị như chính con người anh hôm nay vậy. Tháng 4/2013, anh đã tổ chức một Triển lãm Sen với 100 bức ảnh hoa sen, toàn bộ tranh bán được trong buổi triển lãm cũng như tất cả những bức tranh Sen anh chụp và bán được đều dành tặng cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi ở các mái ấm. Và lần này, anh lại bỏ công sức, bỏ cả công việc kinh doanh, không quản thời gian, không ngại nắng mưa, dù vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, để thực hiện Triển lãm ảnh chủ đề “Bóng Mẹ” cho Mùa Vu lan với mong muốn mang đến một thông điệp: “Hãy yêu thương đấng sinh thành khi Người còn ở bên Ta, chứ khi Người đã khuất thì dù có trả bao nhiêu cũng không tròn một chữ Hiếu đã đánh mất đâu!” – Anh mong muốn thông điệp này sẽ làm hàng triệu con tim thức tỉnh mà soi rọi lại những điều mình đã đối xử với cha mẹ chưa hoàn thiện, chưa trọn đạo, thì sẽ sớm biết sửa sai khi cha mẹ còn ở bên mình…
Những bức hình về Tình Mẹ Con, nhiếp ảnh gia Xuân Anh đã chụp: Bài: Thiên Bình - Ảnh: Xuân Anh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|