Doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi bị thâu tóm là tiêu cực |
Doanh nghiệp bị thâu tóm bởi một doanh nghiệp (DN) khác, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam - Đặng Xuân Minh, nói: "Có thể coi đó là điều chỉnh linh hoạt trong việc săn tìm các cơ hội kinh doanh trên thương trường". * Đa số các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thành công trong 5 năm qua có quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD, những thương vụ có giá trị lớn đều có yếu tố nước ngoài. Ông nhận định thế nào về đặc điểm này? - Quy mô của DN Việt Nam chưa lớn. Đa số các công ty niêm yết có vốn điều lệ khoảng 80 tỷ đồng, tương đương 4 triệu USD. Nếu tính giá thị trường của các công ty có thể bán được 2-3 lần mệnh giá và bán một phần hoặc toàn bộ, thì giá trị các thương vụ đều ở mức dưới 5 triệu USD. Ở góc độ người mua, các DN Việt Nam do quy mô nhỏ, vốn không nhiều để tham gia vào các thương vụ M&A. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, tại Việt Nam chỉ có Masan hoặc Vinamilk có điều kiện về vốn để mua lại các DN khác. Ngược lại, các công ty đa quốc gia hoặc các quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính thường nhắm vào các DN tốt tại Việt Nam. Những thương vụ lớn, quy mô vài trăm triệu USD có thể kể đến trong ngành ngân hàng với Mizuho-Vietcombank, Tokyo Mitshubishi Bank - Vietinbank; trong lĩnh vực hàng tiêu dùng KKR-Masan, Unicharm-Diana và lĩnh vực công nghiệp là SCG-Prime Group, Simen Grasik-Xi măng Thăng Long... * Theo ông, điều gì khiến ngày càng nhiều cuộc "tìm mua" công ty nội địa, thậm chí còn đặt vấn đề trả giá cao hơn?
- Các nhà đầu tư nước ngoài chọn mua các công ty tốt, minh bạch, có triển vọng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, yếu tố thị trường cũng được họ tính đến. Ví dụ trường hợp Lotte - Bibica, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ sở hữu một phần thương hiệu Bibica, mà còn đưa dòng sản phẩm mới, tận dụng mạng lưới thị trường sẵn có. Do đó, nhiều trường hợp họ sẵn sàng trả giá cao hơn so với giá kỳ vọng của DN Việt Nam. * Vậy ông bình luận thế nào về sức ép bị thâu tóm của DN Việt Nam? - Nhiều DN Việt vẫn coi bị thâu tóm là kết quả tiêu cực, thậm chí là thất bại trong việc quản trị công ty khi để công ty rơi vào tay một ông chủ mới. Đối với nhiều doanh nhân, công ty được coi như một đứa con tinh thần, là sự nghiệp vun đắp của cá nhân lãnh đạo và sáng lập DN, khi công ty bị thâu tóm một cách không mong muốn thì ông chủ DN ra sức chống thâu tóm. Tuy nhiên, xét về mục đích lâu dài, M&A là để tạo ra giá trị cộng hưởng và việc DN bị thâu tóm bởi một công ty có thể làm cho DN đó hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn là điều bình thường và nên được ủng hộ. Đây thậm chí có thể coi là việc điều chỉnh linh hoạt trong việc săn tìm các cơ hội kinh doanh trên thương trường và loại bỏ những DN có bộ máy quản lý yếu kém để có thể được vận hành hiệu quả hơn bởi công ty đi thâu tóm. * Chống bị thâu tóm thông qua M&A, theo ông, bằng cách nào? - Có nhiều cách chống bị thâu tóm, trong đó khuyến cáo DN xây dựng kế hoạch tăng trưởng tốt và lành mạnh, có cơ chế huy động vốn hợp lý, thiết lập cơ chế cập nhật thông tin... Tôi cho rằng, DN Việt Nam nên chủ động tiếp cận với M&A cả mua lẫn bán lại hoặc chuyển nhượng công ty thay vì có thái độ e dè với việc bị thâu tóm hoặc đi thâu tóm. Nếu có được sự chủ động và tiếp cận khôn ngoan, nguy cơ có thể lại là cơ hội hợp tác, cải thiện chất lượng hoạt động của DN. * Cảm ơn ông! Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|