top-banner-2

Thứ bảy, 06/01/2018, 07:59 GMT+7

Bitcoin: Cấm hay không?

Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng Bitcoin dưới hình thức thanh toán. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn gây nhiều tranh cãi.

Phát biểu tại Hội thảo "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" ngày 5.1 tại Thanh Hóa, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO - cho rằng Bitcoin là ứng dụng công nghệ, không phải là tiền và cũng không phải là tiền mã hóa. Do đó, loại tiền này không nằm trong danh mục 3 tài sản theo quy định Bộ Luật Dân sự (gồm vật, tiền và giấy tờ có giá), mà thuộc loại thứ tư là quyền tài sản. Do đó, LS Đức đề xuất không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch đồng tiền này mặc dù rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội.

"Nếu chúng ta không công nhận nó là hàng hóa thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật", LS Đức nói.

bitcoin-cam-hay-khong

Thanh toán bằng đồng Bitcoin vẫn gây tranh cãi với 2 luồng ý kiến trái chiều - Ảnh: Internet

Trong năm 2017, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - cho biết Bitcoin được nhà đầu tư nhìn nhận trên 3 xu hướng. Thứ nhất là đầu tư như vàng; Thứ 2 là đầu tư như tiền tệ, ví dụ như Nhật Bản, Bitcoin được sử dụng ở quán cafe, nhà hàng... Xu hướng thứ 3 gồm cả ưu điểm và khuyết điểm. Nhược điểm là nhiều doanh nghiệp coi Bitcoin là công cụ trong hoạt động kinh doanh nhưng 95% là thất bại, 5% doanh nghiệp đột phá, đang phát triển. Hiện nay, theo khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý Bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại 4 nước vẫn khá thận trọng như: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc... 

"Tương tự như Cách mạng 4.0, vấn đề chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào", ông Lực đề xuất.

Trong khi đó, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - lại cho rằng không nên xem Bitcoin là phương tiện thanh toán, vì 95% người chơi Bitcoin thua và chỉ có 5% thắng. Bên cạnh đó, nguồn gốc của loại tiền này là một hình thức rửa tiền, được tạo ra từ những nhóm rửa tiền không muốn công bố nguồn gốc dòng tiền từ đâu. Nhưng khi Bitcoin ra đời thì tính công nghệ của nó đã vượt lên, trở nên tiện dụng cho thanh toán và nhiều mặt khác. 

"Như vậy, độ rủi ro là rất cao và chúng ta phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Nói đơn giản, nếu một ngày nào đó muốn chuyển Bitcoin sang tiền thì có chuyển được không? Tôi nghĩ nên tìm hiểu nguồn gốc của Bitcoin. Xu thế trên thế giới là đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của Bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại", ông Đông cho hay.

Hôm nay 5.1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành rà soát, đề xuất phương án quản lý tiền ảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30.1.2018.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21.8.2017; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu... theo chỉ đạo tại Thông tư số 475/TB-VPCP đã được ban hành từ tháng 10.2017. 

Theo Tuyết Nhung/motthegioi.vn - 5/1/2018

(Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bitcoin-cam-hay-khong-79545.html)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bitcoin: Cấm hay không?

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn