Đặc khu kinh tế sẽ xóa chế độ “công chức suốt đời” |
Đó là đề xuất đáng lưu ý khi các đại biểu bàn về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được quy định trong Hiến pháp (HP) tại hội thảo “Xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) phù hợp với HP năm 2013”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức, diễn ra ở Đà Nẵng cuối tuần qua. Tại hội thảo này, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH cho hay: Trong đề án xây dựng Đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề nghị xây dựng mô hình cơ quan quản lý đặc khu là ủy ban hành chính đặc khu với một cấp hành chính mà không tổ chức HĐND. Dưới đặc khu là đại diện của ủy ban hành chính đặc khu. “UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ quản lý đối với chủ tịch UBND đặc khu và các thành viên UBND đặc khu theo cơ chế bổ nhiệm” - bà Hoàng nói và cho hay. “Bộ máy cán bộ của đặc khu được tổ chức theo các vị trí việc làm. Theo đó, trong các cơ quan tổ chức của đặc khu sẽ thực hiện cơ chế ký hợp đồng làm việc, trả lương theo vị trí việc làm, thoát ly khỏi chế độ tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay và xóa cơ chế công chức suốt đời” - bà Hoàng cho biết. Theo giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Lan, trước mắt cần thể chế hóa các quy định có liên quan đến đặc khu thành một chương trong Luật CQĐP, sau này cần thiết thì xây dựng luật riêng. Bà Lan cho rằng đặc khu cần phải có cơ chế vượt trội, cởi mở về thuế quan... Chính quyền đặc khu phải hướng tới gọn nhẹ, giảm thiểu tối đa thủ tục, được phân quyền và phải tạo sự khác biệt trong tổng thể nền hành chính quốc gia. “Đã là đặc khu thì phải có cơ chế, chính sách trọng dụng, thuê cả nhân tài nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được cơ chế lãnh đạo công nhưng quản trị tư, Nhà nước chỉ nắm phần định hướng còn dịch vụ công có thể để tư nhân làm” - bà Lan đề xuất. Theo Phapluat TPHCM Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|