top-banner-2

Thứ tư, 16/04/2014, 09:47 GMT+7

Ngã rẽ của con rể chúa đảo Tuần Châu

Đặt tính hiệu quả đầu tư lên hàng đầu, ông Đỗ Ngọc Minh, CEO Công ty Luala, đang từng bước khẳng định vị thế trong mảng phân phối thời trang hàng hiệu.

Những gì truyền thông viết về ông chủ Đỗ Ngọc Minh, chủ chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Luala (một phiên âm kiểu quốc tế của từ “lụa là”, như ông Minh từng lý giải), cho đến giờ hầu như chỉ liên quan đến đồ hiệu, hàng hiệu và những ý tưởng nghệ thuật sáng tạo và lãng mạn. Thế nên, khi ông Minh nói đang tính kinh doanh đồng phục cho doanh nghiệp, có cảm giác như Luala đang đổi màu.

Do-Ngoc-Minh---Anh-Thai-Pha

Ông Đỗ Ngọc Minh, CEO Công ty Luala.

Tôi vẫn chỉ tập trung vào mảng thời trang, với trọng tâm chính là phân phối thời trang hàng hiệu. Tôi không muốn ôm đồm, mà chỉ tập trung đầu tư chuyên môn thật sâu, thật tốt cho một lĩnh vực”, ông Minh nói khi nghe lời bàn về mình.

Chuyên môn sâu vào thời điểm này của ông Đỗ Ngọc Minh có thể nói là kinh doanh hàng hiệu, những sản phẩm thời trang vốn đòi hỏi sự hòa nhập dấu ấn của đẳng cấp thương hiệu và cá tính của khách hàng mà ông đã bắt đầu từ khá lâu, vào năm 2006 bằng kế hoạch đầu với thương hiệu Escada của Đức.

Khi đó, ông Đỗ Ngọc Minh vừa tốt nghiệp Đại học Monash của Australia, có trong tay 2 bằng thạc sĩ về kinh tế và một vị trí làm trong một ngân hàng quốc tế. Đương nhiên, đó là các thông tin chính thức, còn ngoài lề, là các khoản đầu tư bất động sản và tham gia một số dự án trong ngành tài chính.

Cũng vì công việc đa dạng, có cơ hội tiếp xúc với những người có thể nói là làm ra tiền, có địa vị và danh vị trong giới kinh doanh, tôi phát hiện ra nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp như một cách tưởng thưởng đã xuất hiện trong một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Bản thân tôi cũng có niềm hứng thú đặc biệt với các loại sản phẩm tinh tế này. Lúc đó, nhiều người phải ra nước ngoài, hoặc tìm cách đặt hàng qua Internet và tôi nghĩ, đây là cơ hội kinh doanh”, ông Minh kể lại khởi nguồn của Luala – thương hiệu có thể nói đang làm nên chính hình ảnh ông chủ của chúng.

Đến năm 2011, số thương hiệu quốc tế mà Luala phân phối đã lên tới khoảng 30. Rồi tiếp đến là sự sang tay của Milano sang Luala sau những lình xình pháp lý của nhà phân phối trước đó…Hiện tại, kinh tế khó khăn, tình hình kinh doanh không còn tốt như trước, đồng thời sự cạnh tranh đến từ nhiều thương hiệu ngoại bắt đầu xuất hiện. Dẫu vậy, ông Minh vẫn rất lạc quan khi nhận định, một thị trường lành mạnh cần phải có vài ba tên tuổi lớn:

Đối thủ mà các doanh nghiệp như chúng tôi đang ngại không phải là các doanh nghiệp cùng trong ngành kinh doanh, mà là thói quen tiêu dùng hàng hiệu chưa thật ‘hàng hiệu’ của người Việt Nam, là khung luật pháp yếu kém và sự hạn chế trong các hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước đối với nền công nghiệp phân phối hàng hiệu còn rất non trẻ”.

Chính vì vậy, công việc này đòi hỏi ở tôi 100% thời gian và tâm huyết để quản lý, để điều hành, để đưa ra được các chính sách mua hàng, bán hàng và có những chiến lược kinh doanh hợp lý…”, ông Minh chia sẻ về công việc chuyên sâu hiện tại và nói thêm rằng, đầu tư chuyên sâu bao gồm từ việc phát triển nhân lực đến xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thay vì việc cứ đứng núi này, trông núi khác…

Nếu bàn về thân thế của ông chủ Đỗ Ngọc Minh, sự có mặt của ông cùng với Luala với những thương hiệu đình đám thế giới hay Luala Concert với cách thể hiện sáng tạo, đưa âm nhạc thính phòng xuống đường, dường như là một cuộc rong chơi.

alt

Đỗ Ngọc Minh với thương hiệu Luala Concert  đã đưa âm nhạc thính phòng xuống đường mang phong cách thể hiện sáng tạo.

Bởi, với sự sẵn có về thế và lực, kể cả gia đình và cá nhân, là con trai duy nhất của ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và là con rể của doanh nhân nổi tiếng với biệt danh “chúa đảo” Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển, con đường kinh doanh của ông Đỗ Ngọc Minh có thể phất theo một hướng khác. Thậm chí, ngay cả lựa chọn hiện giờ của ông cũng có thể chẳng cần quá chuyên tâm cũng có thể vẫn ổn.

Đấy là người ngoài bàn thế, nhưng ông Minh thì khác. “Chưa bao giờ tôi coi kinh doanh là một cuộc chơi, dù ngành nghề kinh doanh của tôi có gắn với những sản phẩm khá đặc thù”, ông Đỗ Ngọc Minh thẳng thắn.

Với những người kinh doanh, chỉ cần nhìn vào chiến lược kinh doanh mà họ đang theo đuổi có thể trả lời được câu hỏi này. Thậm chí, phân tích kế hoạch kinh doanh phối hợp với một tập đoàn dệt may lớn trong nước để phát triển dòng sản phẩm đồng phục cho các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng, chẳng có dấu hiệu nào của ông Đỗ Ngọc Minh lãng tử cả.

Đối tác của chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm gia công cho nhiều thương hiệu thời trang quốc tế, có hệ thống máy móc rất hiện đại và có thể sản xuất quy mô lớn. Chúng tôi lo phần thiết kế và kinh doanh, với sự trợ giúp của các chuyên gia châu Âu. Sản phẩm sẽ là những bộ đồng phục chất lượng cao, giá cả hợp lý, được thiết kế theo sát xu hướng và tiêu chuẩn thời trang châu Âu, nhưng lại được cắt cúp nhằm tôn dáng vóc người Việt”, ông Minh nói.

Cũng phải nhắc lại, thời gian trước, ông Đỗ Ngọc Minh đã từng chia sẻ về kế hoạch làm dòng sản phẩm thời trang cao cấp “Made in Vietnam” với tham vọng các thương hiệu Việt có thể đứng chung với các thương hiệu thế giới một cách tự tin và bình đẳng. Khi đó, ông Đỗ Ngọc Minh đã nói, Luala sẽ kết hợp với các nhà thiết kế trẻ và các nghệ sĩ trong nước, đầu tư để tạo ra những sản phẩm xa xỉ “Made in Vietnam”, đạt chuẩn quốc tế về chi tiết, chất liệu, chất lượng, phong cách…

Khách hàng của dòng sản phẩm này, theo kế hoạch của ông Minh, là thay vì bỏ tiền mua hàng hiệu nước ngoài, người Việt có thể mua đồ đẳng cấp quốc tế được sản xuất ngay trong nước, thậm chí các sản phẩm này còn có thể thu hút cả khách nước ngoài.

Đặt câu hỏi liệu rằng, sức hút hàng hiệu “Made in Việt Nam” còn không trong kế hoạch kinh doanh của ông chủ chuỗi cửa hàng chuyên hàng hiệu, ông Minh nói luôn, vẫn theo đuổi kế hoạch này, nhưng với bước đi thận trọng.

Kinh doanh sản xuất hàng đồng phục là bước đầu tiên. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sẽ rất mạo hiểm nếu mở một thương hiệu may mặc mới, vì chi phí đầu tư rất cao. Ngoài ra, khả năng quản lý đảm bảo sự ổn định về chất lượng sản phẩm và dịch vụ là một vấn đề lớn, đặc biệt là nếu muốn đề cao yếu tố chất lượng như chúng tôi mong muốn. Thay vào đó, bằng việc làm đồng phục cho các công ty theo đơn hàng, chúng tôi có khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, cũng như có thêm thời gian thử nghiệm về thiết kế, form dáng cho khách hàng Việt Nam trước khi sản xuất hàng may sẵn theo số lượng lớn”, ông Minh chia sẻ.

Khi nói về Luala Concert, ông Minh luôn có một sự trân trọng và đam mê. “Tôi xúc động khi thấy các nghệ sĩ hạnh phúc, thấy người nghe chăm chú, thấy âm nhạc được đến với mọi lớp người và ai cũng đón nhận nó trân trọng. Tôi hy vọng, Luala sẽ là một cầu nối nhỏ giữa khách hàng và nghệ sỹ. Thương hiệu Luala cũng từ đó mà có thêm thiện cảm từ công chúng”, ông Minh nói.

Có những doanh nghiệp Việt Nam mà khả năng tài chính chỉ ở mức vừa phải, nhưng lại muốn ngay lập tức trở thành một tập đoàn khổng lồ, trong khi kể cả tại các nước phát triển, phải mất đến hàng trăm năm. Hoặc có những doanh nghiệp chỉ phù hợp với hoạt động quy mô một địa phương, nhưng lại mở rộng trên phạm vi cả nước. Hiện trạng này dẫn đến nhiều khó khăn, chia cắt sức lực, tăng chi phí rất lớn, dẫn đến giảm lợi nhuận. Thị trường nước mình còn nhỏ, tôi nghĩ, các doanh nghiệp đang chọn chuyên môn phù hợp, cũng như quy mô hợp lý cho mình, thì các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách cũng cần nhận ra tầm quan trọng, cũng như có các chính sách ủng hộ đầu tư chiều sâu”, ông Minh nói.

Một vẻ bề ngoài lãng tử, một tâm hồn nhạy cảm nghệ thuật, tinh tế, nhưng lại rạch ròi và tỉnh táo, ông Đỗ Ngọc Minh, đang tính bước đi cho các kế hoạch kinh doanh mà như ông nói, đó là đặt tính hiệu quả đầu tư lên hàng đầu…

Theo Tin kinh doanh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ngã rẽ của con rể chúa đảo Tuần Châu

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3